"Khi tôi kể rằng đã tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine và đã tiêm mũi đầu tiên, mọi người bắt đầu tránh xa tôi", Kravetskaya kể. "Họ tin rằng khi bạn tiêm phòng, bạn đang mang virus trong cơ thể và có thể lây cho người khác".
Với Kravetskaya, 36 tuổi, phản ứng của mọi người xung quanh cho thấy tâm lý hoài nghi vaccine phổ biến trong cộng đồng từ khi đại dịch bùng phát ở Nga hồi năm ngoái.
Mối ngờ vực này là lý do chính khiến mới chỉ 1/3 dân số Nga tiêm chủng đầy đủ, dù Nga đã phát triển thành công vaccine Sputnik V và tiêm miễn phí cho người dân, theo các tổ chức thăm dò ý kiến và các nhà xã hội học. Giới chuyên gia cảnh báo tâm lý hoài nghi vaccine, bài xích tiêm chủng đang khiến số ca nhiễm ở Nga gia tăng với tốc độ đáng báo động.
Nga hôm 16/10 lần đầu tiên báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm trong vòng 24 giờ. Ngày 18/10, nước này tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục với hơn 34.000 trường hợp trong một ngày.
Thủ tướng Mikhail Mishustin tuần trước cho hay chỉ khoảng 42 triệu trong 146 triệu dân Nga đã tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với Mỹ và hầu hết quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Nhưng ngay cả khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng nghiêm trọng hơn, chính phủ vẫn áp đặt ít biện pháp hạn chế và chiến dịch tiêm chủng của Nga đang trì trệ, kém hiệu quả vì thái độ thờ ơ, thiếu tin tưởng từ người dân.
"Một số người dân không đặt niềm tin vào chính phủ và đây là những người bài xích vaccine mạnh mẽ nhất", Denis Volkov, giám đốc Trung tâm Levada, cơ quan thăm dò dư luận độc lập của Nga, cho hay. Hồi tháng 8, một cuộc thăm dò do cơ quan này thực hiện cũng cho thấy 52% người dân Nga không quan tâm đến tiêm chủng.
Một số nhà nhân khẩu học còn đặt câu hỏi về tính xác thực của những dữ liệu liên quan đến dịch mà chính phủ đưa ra. Cơ quan thống kê chính thức của Nga hôm 15/10 cho biết hơn 43.500 người chết vì Covid-19 trong tháng 8. Nhưng nhóm chuyên trách chống Covid-19 ghi nhận chưa đến 25.000 ca tử vong trong tháng 8, theo tính toán từ báo Moscow Times.
Sự chênh lệch dữ liệu này khiến người dân Nga không biết nên dựa vào nguồn nào và càng ảnh hưởng tới niềm tin vào chính phủ.
Điện Kremlin đang lo ngại về xu hướng tăng ca nhiễm. Tổng thống Vladimir Putin tuần trước yêu cầu các nghị sĩ thúc đẩy tiêm chủng, nói rằng "người dân tin tưởng và lắng nghe lời khuyên của các bạn".
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Pyotr O. Tolstoy, đồng minh của Tổng thống Putin, nói rằng phương pháp tiếp cận "chúng tôi yêu cầu, các bạn làm theo" giờ đây không còn hiệu quả.
"Thật không may, chúng ta đã tiến hành chiến dịch tuyên truyền về nCoV ở Nga một cách không chính xác và hoàn toàn mất phương hướng", ông nói trên truyền hình hôm 16/10. "Người dân không đủ tin tưởng để đi tiêm chủng, đó là thực tế".
Theo Volkov, giám đốc Trung tâm Levada, thái độ quá bình tĩnh ban đầu của chính phủ trước đại dịch đã tạo ra tâm lý bàng quan trước Covid-19 trong công chúng.
"Ngay từ đầu, chúng ta đã không đưa ra thông điệp khẳng định rằng Covid-19 rất nguy hiểm", Volkov nhận xét. "Động lực đã bị mất đi và rất khó mang nó trở lại".
Nhìn chung, quan điểm của Điện Kremlin là nên để thống đốc các vùng quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch. 58 trên 85 vùng của Nga đã đưa ra một số hạn chế phòng chống dịch bắt buộc với công chức. Ở vài nơi, các sự kiện nhiều hơn 2.000 hoặc 3.000 người bị cấm tổ chức.
Dù vậy, việc thực hiện các biện pháp hạn chế vẫn còn lỏng lẻo. Hồi mùa hè, chính quyền Moskva ra lệnh bắt buộc 60% lao động trong ngành dịch vụ phải tiêm chủng, nhưng một số người cho hay quy định này đã không được thực thi. Hồi tháng 8, Thị trưởng Moskva hủy một chương trình yêu cầu người dân chứng minh đã tiêm chủng bằng mã QR trước khi vào các địa điểm trong nhà, với lý do không đạt được sự đồng thuận từ công chúng.
Chính quyền các địa phương do dự khi áp đặt biện pháp hạn chế quyết liệt vì không muốn "mất lòng đại đa số người dân", những người phản đối chúng, Aleksandra Arkhipova, nhà xã hội học nghiên cứu về nạn thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19 tại Học viện Kinh tế Quốc gia và Quản lý Hành chính công trực thuộc Tổng thống Nga, nhận xét.
Arkhipova nói rằng nghiên cứu của bà cho thấy nhiều người Nga tin các quan chức đưa ra chính sách chống dịch dựa trên yếu tố chính trị thay vì khoa học và dịch tễ. Trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9, Nga đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, dù tình hình dịch chưa cải thiện.
Một lý do khác khiến tỷ lệ tiêm chủng của Nga thấp có thể nằm ở việc chính người dân không đặt nhiều niềm tin vào vaccine nội địa Sputnik V. Trong khi 70 quốc gia trên thế giới đã phê duyệt Sputnik V, chính người dân nước này lại cảnh giác do quá trình phát triển và phê duyệt quá nhanh của nó, theo Quỹ đầu tư Trực tiếp Nga, đơn vị hợp tác phát triển vaccine Sputnik V.
"Nhiều người hoang mang trước Sputnik V chứ không phải tất cả các loại vaccine", Arkhipova cho hay. Các vaccine phương Tây, như của Pfizer-BioNTech hay Moderna, không có sẵn ở Nga.
Sputnik V được điều chế theo công nghệ vector, sử dụng virus cảm lạnh vô hại để đưa các phần của nCoV vào cơ thể người, từ đó huấn luyện hệ miễn dịch phát hiện và tiêu diệt mầm bệnh.
Phân tích dữ liệu thử nghiệm với 20.000 người được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu Lancet cho thấy Sputnik V hiệu quả 91,6% đối với các ca nhiễm nCoV có triệu chứng. Phân tích từ 3,8 triệu người đã tiêm cho thấy Sputnik V hiệu quả 97,6%. Vaccine cũng đạt 100% khả năng bảo vệ chống triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng.
Kravetskaya, "ông kẹ" bị nhiều hàng xóm xa lánh, cho biết cô sẵn sàng tiêm vaccine Sputnik V bởi chồng cô và người bảo mẫu chăm sóc con gái cô đều thuộc nhóm nguy cơ cao nếu mắc Covid-19. Cô cũng tin lời khuyên từ một số người bạn là nhà hóa học và sinh học, những người đã thúc giục Kravetskaya đi tiêm.
"Tôi rất tin tưởng những công nghệ được sử dụng cho vaccine", cô nói.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)