Năm nay, Borisovich, một công nhân nhà máy 60 tuổi, cho hay giá cả tăng đột biến buộc ông phải loại trứng cá muối và những món đắt tiền khác để đủ tiền mua một chai champagne cho ngày lễ lớn nhất ở Nga.
Người dân trên khắp nước Nga đang đưa ra những quyết định tương tự, khi lạm phát đẩy vật giá lên cao, buộc họ phải đưa ra quyết định khó khăn vào dịp lễ. "Mọi thứ ngày càng đắt đỏ hơn nhưng lương thì không tăng", Borisovich nói, cho hay ông bị sốc vì một ổ bánh mỳ giờ đây có giá 100 ruble (khoảng 1,35 USD). Giá một ổ bánh mỳ 1 kg ở Moskva hồi tháng 7/2020 là 62,6 ruble, theo trang knoema.com.
![Một người đàn ông chọn mua chanh tươi trong siêu thị ở Moskva ngày 15/12. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/12/23/bbda2c346111ebe05b0ad1aed5c906-6290-5004-1640247765.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=h-OHIo_i7HiNrc8L3Zo3EA)
Một người đàn ông chọn mua chanh tươi trong siêu thị ở Moskva ngày 15/12. Ảnh: AFP
Lạm phát trong tháng này ở Nga lên mức cao nhất kể từ năm 2016, khiến sinh hoạt phí trở thành gánh nặng với nhóm dân số có thu nhập trung bình 545 USD một tháng. Theo cuộc khảo sát gần đây của trang web tuyển dụng SuperJob, khoảng 43% người dân Nga không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào.
Borisovich cho hay bàn tiệc năm nay chỉ có salad khoai tây và đậu Hà Lan. "Tôi sẽ mua một ít Shampanskoye nếu đủ tiền", ông nói, nhắc tới loại vang nổ phổ biến thời Liên Xô.
Trứng cá muối đỏ, món ăn thường được người Nga dùng kèm bánh mỳ và bơ vào đêm giao thừa, đang có giá cao nhất từ năm 2000 tới nay. Các nguyên liệu cho những món ăn ngày lễ khác như salad Oliver có giá đắt hơn năm ngoái 15%. Món salad cá trích và củ cải đường đắt hơn năm ngoái 25%.
Đời sống của người Nga gặp khó khăn từ khi Moskva chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây năm 2014. Tác động của vật giá leo thang đang ảnh hưởng tới cả những người sống ở thủ đô Moskva.
Karina Strukova, kỹ sư đang nghỉ sinh con, đã buộc phải ngừng mua hàng tạp hóa từ chuỗi cửa hàng cao cấp Vkusvill để chuyển sang cửa hàng của Magnit giá rẻ hơn. Người phụ nữ 30 tuổi cho hay hóa đơn mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt đã tăng 25% từ năm ngoái tới nay.
"Chúng tôi đang cố gắng cắt giảm chi tiêu vì không có bất kỳ nguồn thu nhập nào khác", cô nói. "Chúng tôi mua quà cáp ít hơn, đến cửa hàng rẻ hơn".
![Trứng cá muối bày bán tại một khu chợ Moskva ngày 15/12. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/12/23/000-9UQ27E-8478-1640247765.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CjWKFtbgPRhnlc_QWmh4KQ)
Trứng cá muối bày bán tại một khu chợ Moskva ngày 15/12. Ảnh: AFP
Các cuộc thăm dò cho thấy sức mua giảm là mối quan ngại lớn của người Nga. Để hạn chế giá tăng phi mã, chính phủ đã quy định mức giá trần và áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, còn ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất.
Tổng thống Vladimir Putin gọi lạm phát "là vấn đề chính hiện nay với cả nền kinh tế và người dân", yêu cầu các bộ ngành giảm lạm phát từ 8% xuống 4% trong năm tới.
Igor Nikolaev, chuyên gia Viện phân tích chiến lược FBK Grant Thornton, cho hay có nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát trên toàn cầu, xuất phát từ gián đoạn chuỗi cung ứng và chi tiêu phục hồi sau đại dịch. Ông nhận xét tình hình còn tồi tệ hơn ở Nga, nơi không đủ yếu tố cạnh tranh trên thị trường để kéo giá xuống.
"Khi không đủ cạnh tranh, sẽ không có cơ chế nào ngăn người sản xuất và người bán tăng giá", Nikolaev nói thêm.
Svetlana Knyazeva, 88 tuổi, đang dạo quanh khu chợ tìm mua quà cho cháu nội. Dù hoàn cảnh khó khăn, cụ cho rằng con người có thể thích nghi với mọi thứ. "Tôi không cho rằng cuộc sống của mình đang tệ", cụ nói, cho biết mỗi tháng nhận được 400 USD lương hưu.
Hồng Hạnh (Theo AFP)