"Mọi thứ giờ đây quá đắt đỏ, khiến buôn bán cũng khó khăn theo", Lai, 56 tuổi, nói.
Ông cho rằng các trận lũ lụt bất thường và phí vận chuyển tăng là nguyên nhân khiến giá rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc, như bông cải xanh, đã tăng 30-40% trong vài tuần gần đây. Lai cũng nhập rau từ Malaysia, Indonesia và Thái Lan, nhưng giá tăng ở mức dễ chịu hơn.
"Trong 6-7 năm buôn bán ở đây, giá năm nay tăng mạnh nhất", ông nói.
Số liệu chính phủ Singapore cho thấy giá thực phẩm đã tăng 1,6% trong tháng 9, từ mức 1,5% một tháng trước, trong đó một số mặt hàng tăng phi mã. Hồi tháng 6, một kg nho có giá 8,12 USD, nhưng tăng lên 11,58 USD vào tháng 9. Giá rau bina cũng tăng khoảng 15% trong cùng giai đoạn.
Gián đoạn nguồn cung, do đại dịch và mưa lũ ở Ấn Độ, Trung Quốc ảnh hưởng tới sản lượng cây trồng, đã khiến tình hình thêm tồi tệ. Một yếu tố khác là nhu cầu tiêu dùng tăng khi các nước chạy đua phục hồi sau đại dịch.
Singapore không phải nơi duy nhất chứng kiến giá cả leo thang. Tại đặc khu Hong Kong, các nhà phân phối thực phẩm và nhà hàng cũng đang gặp vô vàn khó khăn.
Hồi tháng 9, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald thông báo với khách hàng rằng món cánh gà chiên giòn của họ có thể bị hết hàng vì vấn đề vận chuyển, trong khi các nhà cung cấp cảnh báo giá nhập khẩu bột, hoa quả và rau củ, cũng như các sản phẩm sữa, rượu đều tăng.
Với tỷ lệ lạm phát của thành phố ở mức 1,4% vào tháng 9 và chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,6%, chính quyền Hong Kong cảnh báo giá cả leo thang có thể đe dọa quá trình phục hồi kinh tế của đặc khu.
Các chuỗi siêu thị lớn ở Singapore đã tránh được tình trạng gián đoạn do đa dạng hóa nguồn cung ứng, như siêu thị Sheng Siong giờ nhập khẩu cả sản phẩm từ Chile và Peru. Nhưng những cửa hàng gia đình nhỏ không phải lúc nào cũng có lựa chọn thay thế và buộc phải tăng giá.
Rama, nhân viên của một cửa hàng tạp hóa Ấn Độ gần quầy rau của ông Lai, nói khách hàng đã phàn nàn về giá hàng khô và rau củ nhập từ Ấn Độ tăng. Giá đậu bắp và rau mùi đã tăng 20%.
Các tổ chức phi chính phủ ở Singapore cảnh báo người thất nghiệp trong đại dịch là nạn nhân bị bão giá đe dọa nhiều nhất. Nichol Ng, đồng sáng lập Food Bank (ngân hàng thực phẩm) Singapore, cho biết tình trạng mất an ninh lương thực và cần hỗ trợ thực phẩm đã tăng lên.
Ng cho rằng giá cả leo thang hiện tại mới chỉ là khởi đầu. Tác động đầy đủ của nó có thể sẽ thấy rõ vào năm tới, khi nguồn cứu trợ đại dịch của chính phủ cạn kiệt.
Tổ chức từ thiện Food from the Heart cho biết đã phân phát khoảng 10.000 gói thực phẩm trong năm nay, tăng 59% so với năm 2019. Nguyên nhân một phần do nhiều gia đình bị thiếu lương thực, vì mất việc hoặc thu nhập sụt giảm trong đại dịch.
Tại Ấn Độ, sau lễ hội ánh sáng Diwali với hơn một triệu ngọn đèn dầu được thắp sáng hồi đầu tháng 11, nhiều gia đình nghèo ở thành phố Ayodhya vội vã đi gom từng chút dầu hạt cải còn thừa, đổ vào chai nhựa để mang về nấu ăn. Hiện tại, dầu hạt cải ở Ấn Độ quá đắt với họ, khi giá đã tăng từ 150 rupee (khoảng 2 USD) một lít năm ngoái lên 240 rupee.
Kavita Verma, một người nội trợ 42 tuổi ở New Delhi, từng dùng dầu hạt cải để nấu ăn nhưng giờ không còn khả năng làm điều đó.
"Tôi phải chuyển từ dầu hạt cải sang dầu cọ vì nghĩ rằng nó rẻ hơn. Nhưng giờ dầu cọ cũng tăng gấp đôi, từ mức 72 rupee năm ngoái lên 140 rupee. Mọi thứ quá đắt, khiến gia đình tôi không đủ trang trải. Giá gas cũng đã tăng 50%. Tôi thực sự gặp khó khăn", Verma nói.
Raj, chồng của Verma, cảm thấy ví tiền như bị rút cạn mỗi khi đổ đầy bình xăng cho chiếc xe tay ga đi làm. Giá xăng ở Ấn Độ đã tăng gần 35% so với năm ngoái.
Manish Chawla bán thức ăn cho những người lao động trên chiếc xe đẩy tại con phố bên ngoài văn phòng của Raj. Giá gas và dầu cọ tăng khiến mọi chi phí đều tăng, nhưng Chawla không thể tự ý tăng giá, bởi những khách hàng như Raj cũng gặp khó khăn trong đại dịch. Raj đã bị giảm 30% lương vì Covid-19.
"Với tình hình lạm phát tồi tệ, tôi không thể kiếm được lời", Chawla nói. "Tôi đã sống sót qua Covid-19 nhưng không biết liệu có thể sống nổi với giá cả như hiện nay không?".
Tại Malaysia, nhiều người thu nhập thấp cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài cắt giảm thịt trong bữa ăn hàng ngày. Saliya Zamidi, người mẹ bốn con 47 tuổi, đã trở thành trụ cột của gia đình sau khi chồng cô mất việc vì đại dịch.
Cả Zamidi và chồng đều làm rất nhiều việc để trang trải tiền thuê nhà, cho con đi học và chi phí ăn uống của gia đình. Nhưng với ba đứa con trong độ tuổi đi học, cô gặp rất nhiều khó khăn để cân đối chi tiêu, khi thu nhập hàng tháng chỉ có 960 ringgit (khoảng 230 USD).
"Tôi thực sự phải lên kế hoạch về những gì sẽ ăn trong tuần. Nếu muốn nấu gà, tôi sẽ phải mua một con để đủ cho cả nhà và nó thực sự tốn kém", Zamidi nói.
Với một con gà giờ đây có giá khoảng 12 USD, gia đình Zamidi buộc phải thay thế thịt bằng trứng, đậu phụ và rau.
"Chúng tôi thay đổi thực đơn gần như mỗi ngày và mỗi tuần, phụ thuộc vào số tiền chúng tôi có thể chi cho ăn uống. Đôi khi những đứa con tôi muốn ăn đồ ăn nhanh hoặc pizza, tôi cảm thấy thật đau lòng khi không thể đáp ứng điều đó. Do đó, tôi cố gắng hết sức có thể để cung cấp những gì trong khả năng của mình cho con", cô nói.
Theo số liệu chính phủ, giá gà đã tăng khoảng 1% trong tháng 9. Bộ Thương mại và Tiêu dùng Nội địa cho biết nguyên nhân một phần là giá nhập khẩu ngô và đậu nành, nguyên liệu làm thức ăn cho gà, tăng. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn nói chung tăng 1,2%, chủ yếu là thịt và rau củ.
Kechara Soup Kitchen, tổ chức điều hành ngân hàng thực phẩm và cháo cho người nghèo ở Kuala Lumpur, chứng kiến số lượng khách tăng mạnh trong vài tháng gần đây. Kechara thường phân phối những thực phẩm cơ bản như miến xào, cơm rang, hoa quả, bánh quy.
"Chúng tôi đã cung cấp khoảng 1.000 suất thực phẩm mỗi ngày thứ bảy", giám đốc điều hành Justin Cheah nói, thêm rằng có rất nhiều người vô gia cư tìm đến xin hỗ trợ.
Tại thủ đô Manila của Philippines, một chiếc pizza size 18 đủ cho 5 người ăn có giá khoảng 1.000 peso (20 USD). Nhưng số tiền này có thể đủ nuôi sống cả gia đình 5 người trong một tuần.
Carlito Miniado, thợ mộc 68 tuổi, nói 1.000 peso mà ông từng chi đủ cho cả nhà 5 người hồi năm ngoái giờ đây lại không đủ. "Nhưng tôi chỉ có thế", ông nói.
Miniado phải chăm sóc vợ bị ốm liệt giường suốt nhiều tháng nay nên không thể ra ngoài làm việc. Với số tiền 1.000 peso mà các con đưa, bữa ăn của họ thường chỉ có cơm, rau và vài miếng cá, rất hiếm khi có thịt lợn hoặc gà vì giá quá đắt.
Cá rô phi, từng được gọi là cá của người nghèo, có giá 120 peso (2,3 USD)/kg, nhưng hiện tăng lên mức 180-200 peso/kg. Nó quá đắt với gia đình ông Miniado.
Chính phủ Indonesia đã bình ổn giá gạo ở mức 40 peso/kg kể từ khi đợt phong tỏa Covid-19 bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái, nhưng giá các loại thực phẩm khác không ngừng tăng.
Giá cá nục tăng từ mức 160 peso/kg vào tháng 6 năm ngoái lên 200 peso hồi tháng 5 năm nay, thậm chí từng tăng tới 280 peso hồi tháng 4. Giá thịt lợn cũng tăng 61% trong cùng giai đoạn, từ mức 260 peso lên 380 peso.
Chứng kiến tình hình ngày càng tồi tệ, nghệ sĩ Ana Patricia Non, 26 tuổi, quyết định mở một quầy thực phẩm cộng đồng trong khu phố của cô kể từ tháng 4. Cô mua một số loại rau bày lên quầy để người nghèo đến lấy miễn phí. 7 tháng sau, hành động hào phóng của cô đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người thiết lập 6.700 địa điểm phân phối thực phẩm tương tự trên toàn quốc.
Nhóm của Non, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn quyên góp, đã cung cấp số thực phẩm gồm gạo, rau, mì và các nguyên liệu khác trị giá khoảng 1.000 peso cho các khu bếp cộng đồng đủ nấu ăn trong một tuần.
Non cho biết cô thấy đau lòng khi thấy các gia đình chỉ có 20 peso để mua các thực phẩm bổ sung như cá, thịt cho bữa ăn gia đình. Cô lưu ý mức lương tối thiểu 500 peso mỗi ngày "hiện không đủ để trang trải nhu cầu cần thiết của các gia đình. Tôi không biết họ đã xoay xở như thế nào".
Thanh Tâm (Theo SCMP)