"Tôi đã đợi từ 5h đến 12h trưa nhưng vẫn chưa đến lượt. Oxy giờ quý hơn tiền", Soe Win, cư dân của thành phố Yangon lớn nhất Myanmar, cho biết.
Lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị kể từ cuộc đảo chính hồi tháng hai, Myanmar đối mặt với làn sóng ca nhiễm mới từ giữa tháng 5. Nhiều người như bà của Soe Win phải chống chọi với Covid-19 ở nhà nếu không thể tìm được giường tại bệnh viện quân đội, hoặc không tin tưởng vào chính quyền quân sự.
Dưới thời Aung San Suu Kyi, Myanmar đã vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ hai bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái bằng cách hạn chế đi lại nghiêm ngặt, phong tỏa Yangon và hạn chế vận động bầu cử ở các điểm nóng virus. Suu Kyi thường xuyên xuất hiện trên truyền hình với những lời cảnh báo nghiêm khắc nhưng cũng mang tinh thần đồng cảm với công chúng.
Myanmar khi đó đã đặt mua vaccine từ Ấn Độ và Trung Quốc. Vụ đảo chính diễn ra ra chưa đầy một tuần sau khi các nhân viên y tế được tiêm những mũi vaccine đầu tiên.
Các bệnh viện quân đội vẫn tiếp tục hoạt động nhưng bị nhiều người dân tẩy chay. Các bác sĩ và y tá tham gia phong trào phản đối chính quyền quân sự cũng rời bỏ bệnh viện và mở phòng khám riêng, bất chấp nguy cơ bị bắt. Tốc độ tiêm chủng chững lại, có nguy cơ tạo điều kiện cho ca nhiễm bùng nổ.
Myanmar đã ghi nhận mức tăng kỷ lục 80 ca tử vong và 5.014 nhiễm mới hôm 12/7, hơn 1/3 số người được xét nghiệm có kết quả dương tính. Một số chuyên gia y tế cho rằng số ca nhiễm thực sự có khả năng cao hơn nhiều vì số người được xét nghiệm còn hạn chế.
Đầu tuần trước, nhiều người xếp hàng mua oxy ở thành phố Kalay thuộc vùng Sagaing ở vùng tây bắc. Đến cuối tuần trước, tình cảnh tương tự diễn ra ở hai thành phố lớn nhất Yangon và Mandalay.
"Các đồng nghiệp Liên Hợp Quốc của chúng tôi tại Myanmar nói rằng họ lo ngại về sự gia tăng nhanh ca Covid-19 ở đây. Nhóm của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng một đợt bùng phát Covid-19 lớn sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc đối với sức khỏe của cả con người và nền kinh tế. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus và mở rộng quy mô tiêm chủng", phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric tại New York cho biết.
Tại quận Insein của Yangon, một người dân cho biết cô đã thuê một bình oxy và nạp đầy lại vào cuối tuần trước, sau khi nồng độ oxy trong máu của cha cô giảm xuống. Bây giờ cô đang trong cơn tuyệt vọng khi tìm kiếm thêm nguồn cung. "Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không thể tìm thấy oxy và bố tôi sẽ không qua khỏi?", cô gái 24 tuổi nói.
Một người dân khác cho biết do thiếu thiết bị y tế chuyên dụng nên một số người thậm chí còn sử dụng bình oxy của ngành hàn. Một bác sĩ chuyên tư vấn qua điện thoại cho bệnh nhân Covid-19 nói rằng ông biết nhiều trường hợp tử vong trên khắp Myanmar vì không được cung cấp oxy kịp thời.
Phát ngôn viên quân đội Zaw Min Tun cho biết trong một cuộc họp báo hôm 11/7 rằng giới chức quân sự đang chuẩn bị 14 địa điểm để điều trị bệnh nhân Covid-19 trong các bệnh viện quân sự trên khắp Myanmar.
Ông cho biết các nhà máy oxy sẽ vận hành hết công suất, đồng thời xác nhận thông tin trên truyền thông rằng chính quyền đã hạn chế một số nhà cung cấp tư nhân bán oxy cho công chúng. Đại diện của Bộ Y tế giải thích nguồn cung oxy cần phải được giám sát để tránh tình trạng đầu cơ tích trữ.
"Một số người có thể không nhiễm nCoV nhưng tích trữ lượng lớn bình oxy trong nhà", quan chức này cho biết.
Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết một nhà tài trợ giấu tên đã hỗ trợ tài chính xây dựng một nhà máy oxy và cơ sở này sẽ được hoàn thành trong một tháng. Ông đảm bảo với công chúng rằng Myanmar có đủ nguồn cung oxy, nhưng nói rằng tình hình đang bị bóp méo và bị lợi dụng để trục lợi chính trị.
"Có đủ oxy trong nước. Một số người mua oxy vì họ lo lắng", ông nói. "Tôi muốn nói với mọi người rằng đừng lo lắng hay sợ hãi".
Phương Vũ (Theo AP/Reuters)