"Mọi người trong nhà của bà Aung San Suu Kyi, bao gồm bà ấy, đều đã được tiêm chủng", Min Min Soe, luật sư đại diện cho cựu cố vấn nhà nước Myanmar, nói ngày 6/7, sau khi dự phiên tòa xét xử bà về cáo buộc kích động phản loạn.
Luật sư không tiết lộ bà Suu Kyi đã tiêm mũi thứ hai vào thời điểm nào và được sử dụng loại vaccine gì. Bà được cho là đã tiêm mũi đầu tiên trước khi chính phủ dân cử bị quân đội lật đổ.
Quân đội Myanmar tiến hành đảo chính hồi đầu tháng 2 sau khi cáo buộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của và Suu Kyi gian lận bầu cử trong tháng 11/2020. Kể từ đó, Suu Kyi bị quản thúc tại nhà. Những lần trình diện trước tòa án đặc biệt tại thủ đô Naypyidaw là cơ hội duy nhất để cựu lãnh đạo Myanmar kết nối với thế giới bên ngoài.
Khoảng 10 người sống trong căn nhà nơi bà Suu Kyi bị quản thúc, gồm cả bảo vệ và đầu bếp. Min Min Soe cho biết cựu cố vấn nhà nước rất quan tâm đến tình hình đại dịch.
"Bà kêu gọi nhân dân tiêm chủng khi có cơ hội. Bà cũng khuyên mọi người quan tâm lẫn nhau, tuân thủ các biện pháp hạn chế và thông báo", luật sư thuật lại.
Tình hình Covid-19 tại Myanmar thêm phức tạp vì làn sóng bất tuân dân sự phản đối cuộc đảo chính. Hàng nghìn bác sĩ, tình nguyện viên và công chức đã đình công nhằm phản đối chính quyền quân sự, khiến các hoạt động xã hội gần như tê liệt.
Đất nước với 54 triệu dân nỗ lực tìm nguồn vaccine với hy vọng khống chế dịch bệnh đang lan rộng. Myanmar đã nhận 1,5 triệu liều vaccine từ Ấn Độ và 500.000 liều từ Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021.
Trung Nhân (Theo AFP)