Thứ hai, 25/11/2024
Chủ nhật, 20/9/2020, 22:48 (GMT+7)

Người Mỹ tưởng nhớ Thẩm phán Ginsburg

Hàng nghìn người Mỹ tới đặt hoa và bày tỏ thành kính với Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg trước Tòa án Tối cao ở Washington sau khi bà qua đời.

Thẩm phán Ginsburg qua đời hôm 18/9 do biến chứng của ung thư tuyến tụy di căn. Sau sự ra đi của bà, khuôn viên của Tòa án Tối cao đã biến thành một đài tưởng niệm, thu hút hàng nghìn người tới để bày tỏ lòng thành kính.

Trong ảnh là những bó hoa và lá thư, thông điệp ca ngợi Thẩm phán Ginsburg được người dân đặt trước Tòa án Tối cao ngày 19/9.

Ginsburg xuất thân từ tầng lớp lao động ở quận Brooklyn, thành phố New York, được Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Bill Clinton bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao năm 1993. Bà đã đưa ra những phiếu bầu quan trọng trong các phán quyết mang tính bước ngoặt đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ, mở rộng quyền của người đồng tính và bảo vệ quyền phá thai.

Người dân thắp nến bên ngoài Tòa án Tối cao ở Washington ngày 19/9.

Thẩm phán Ginsburg trước khi qua đời đã nói rằng không muốn người thay thế bà ở Tòa án Tối cao được bổ nhiệm trước khi nước Mỹ có tổng thống mới.

Sự ra đi của Ginsburg có thể làm thay đổi đáng kể cán cân tư tưởng của Tòa án Tối cao Mỹ, vốn đang có đa số thẩm phán theo tư tưởng bảo thủ với tỷ lệ 5-4. Trump có cơ hội mở rộng thế đa số này bằng việc bổ nhiệm thêm một thẩm phán bảo thủ, khi đang có sự chia rẽ sâu sắc ở Mỹ vào thời điểm bầu cử tổng thống đang cận kề.

Tấm biển ghi thông điệp tưởng nhớ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg (RBG) được đặt bên ngoài Trường Luật Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, ngày 19/9.

Ginsburg là người theo chủ nghĩa tự do, được coi là đối thủ cứng rắn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bà thường xuyên lên tiếng chỉ trích ông chủ Nhà Trắng, từng khẳng định "không muốn nghĩ tới" những ảnh hưởng của Trump với Tòa án Tối cao Mỹ.

Thông tin về cái chết của Ginsburg được công bố khi Tổng thống Trump đang phát biểu vận động tranh cử ở bang Minnesota, ông chỉ được các phóng viên báo tin sau khi kết thúc bài diễn thuyết. "Bà ấy vừa qua đời sao? Tôi không biết điều đó. Bà ấy đã sống cuộc đời tuyệt vời, còn có thể nói gì nữa đây", Trump tỏ ra ngạc nhiên nói.

"Cảm ơn vì tất cả. Chúng ta sẽ không đến được nơi chúng ta đang đứng ngày hôm nay nếu không có bà" là thông điệp được bên cạnh bức phác họa chân dung Thẩm phán Ginsburg.

Ginsburg là thành viên lớn tuổi nhất của tòa án và có thời gian giữ chức lâu thứ hai trong số các thẩm phán hiện tại. Bà là người phụ nữ thứ hai trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, sau Sandra Day O'Connor, người được bổ nhiệm 12 năm trước đó.

Người đàn ông quỳ gối trước các bậc thềm của Tòa án Tối cao sau cái chết của Thẩm phán Ginsburg ngày 18/9.

Ngay từ tối 18/9, hàng nghìn người đã tập trung trước Tòa án Tối cao để tưởng nhớ Ginsburg.

"Bà ấy là một huyền thoại... Bà ấy cho thấy một lòng gan dạ, một sự quyết tâm, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và những năm tháng cuộc đời phụng sự đất nước", Kenneth Crawford, sinh viên mới tốt nghiệp Trường Luật Georgetown chia sẻ.

"Ruth Bader Ginsburg là biểu tượng cho phụ nữ", một người khác cho hay. "Thành công của tôi, gia đình tôi, vợ tôi, tôi sẽ không bao giờ có chúng nếu không vì Ruth, vì những gì bà ấy đại diện và đóng góp".

Một góc đặt nến và hoa cùng những thông điệp ca ngợi Thẩm phán Ginsburg bên ngoài Tòa án Tối cao.

Một phút mặc niệm dành cho Thẩm phán Ginsburg tại sân vận động Oakland, California, trước khi trận đấu bóng chày giữa hai đội Oakland Athletics và San Francisco Giants diễn ra ngày 19/9.

Ảnh: AP, Reuters