Las Vegas quá nóng, người dân không thích dùng bữa ngoài trời, trong khi hoạt động ăn uống trong nhà hàng phải ngừng vì Covid-19. Do đó, gia đình Low buộc phải chuyển đổi một phần diện tích nhà hàng sang dịch vụ giao đồ ăn.
"Nếu không thích nghi, bạn sẽ bị tụt lại", Low, người có gia đình mở nhà hàng Satay kinh doanh món Thái hơn 15 năm nay ở Las Vegas, nói. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực thay đổi của họ, doanh số bán hàng năm 2020 vẫn giảm 50% so với năm trước.
Covid-19 đang tấn công người Mỹ gốc Á trên nhiều phương diện. Lệnh phong tỏa và hạn chế tụ tập trong không gian kín gây khó khăn cho các nhà hàng, cửa tiệm, hiệu làm móng và những ngành dịch vụ vốn do nhiều người gốc Á làm chủ.
Rào cản ngôn ngữ và thiếu quan hệ với ngân hàng khiến chủ doanh nghiệp gặp khó khi muốn nhận hỗ trợ từ chính phủ, trong bối cảnh nỗi sợ hãi vì các tội ác thù hận và phân biệt chủng tộc gia tăng, khi nhiều người Mỹ đổ lỗi cho người gốc Á là nguồn lây lan Covid-19.
Theo báo cáo do Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York và AARP công bố tháng trước, các công ty do người Mỹ gốc Á làm chủ hoạt động kém hơn doanh nghiệp của người Mỹ gốc Phi hay gốc Tây Ban Nha trong thời Covid-19, dù họ có vị thế kinh tế mạnh hơn trước khi đại dịch bùng phát.
Khoảng 9% doanh nghiệp do người Mỹ gốc Á sở hữu gặp khó khăn về tài chính năm 2019, thấp hơn nhiều so với 19% cơ sở của người gốc Phi hay 16% của người gốc Tây Ban Nha, dựa theo bảng xếp hạng lợi nhuận, điểm tín dụng và nguồn vốn kinh doanh, theo nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York. Con số này là 6% ở doanh nghiệp do người da trắng làm chủ.
Nhưng các doanh nghiệp người Mỹ gốc Á bị ảnh hưởng nặng nề hơn sau khi Covid-19 nổ ra. Theo nghiên cứu của JPMorgan Chase, tới cuối tháng 3, doanh số bán hàng của doanh nghiệp người Mỹ gốc Á giảm hơn 60% so với một năm trước, lớn hơn mức 50% mà các doanh nghiệp nhỏ khác đối mặt.
Khoảng 90% doanh nghiệp nhỏ của người Mỹ gốc Á thất thu năm ngoái, so với 85% của người gốc Phi, 81% của người gốc Tây Ban Nha và 77% của người da trắng.
Michael Park, chủ của cơ sở giặt là Bobby Schorr Cleaners hoạt động hơn 34 năm qua tại Philadelphia, cho hay có ngày chỉ kiếm được 100 USD, chưa bằng một phần mười so với bình thường.
Công việc có khởi sắc hơn một chút vào mùa hè, khi người ta không bị hạn chế ra ngoài như trước, nhưng doanh số vẫn chỉ ở mức 25% so với trước đại dịch. Park buộc phải sử dụng các khoản trợ cấp và vay vốn cho hộ kinh doanh để trang trải.
"Chúng tôi đang cố gắng cầm cự", ông nói.
Jamie Lee, người làm việc cho một tổ chức phát triển cộng đồng tại khu phố người Hoa ở Seattle, cho biết nhiều chủ cơ sở kinh doanh mà cô từng làm việc cùng chỉ biết đủ tiếng Anh để phục vụ khách hàng. Họ khó chịu khi phải điền vào các biểu mẫu tài chính phức tạp để xin trợ cấp chính phủ như Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP).
Các hộ kinh doanh do người thiểu số làm chủ phần lớn bị loại khỏi chương trình PPP đầu tiên vào mùa xuân năm ngoái, theo nghiên cứu công bố hồi tháng 1 của Robert Fairlie, chuyên gia Đại học California tại Santa Cruz và Frank Fossen, chuyên gia đại học Nevada. Họ chỉ được tiếp cận nguồn hỗ trợ này sau khi chương trình được điều chỉnh.
Low, đối tác quản lý của nhà hàng Nevada Thai, cho biết việc đăng ký vay PPP cũng giống như săn lùng giấy vệ sinh trong những tháng đầu bùng phát Covid-19. Cuối cùng, cô tìm được một tổ chức cho vay nhỏ, không phải ngân hàng lớn mà nhà hàng gia đình của Low thường xuyên hợp tác, sẵn lòng xử lý đơn xin vay của cô.
Teizi Mersai, giám đốc kinh doanh của Siêu thị hải sản Lam, một cửa hàng tạp hóa do người Mỹ gốc Việt làm chủ tại thành phố Seattle, bang Washington, cho hay anh và những chủ cửa hàng nhỏ khác vô cùng biết ơn sự hỗ trợ của các nhóm trong khu phố, đã giúp họ nộp đơn xin hỗ trợ.
"Cộng đồng ở đây đã thực sự đoàn kết giúp đỡ nhau", anh nói.
Mersai cũng mở dịch vụ giao hàng để khách có thể đặt đồ trực tuyến. Anh mất 6 tháng để thiết lập dịch vụ vì phải cùng nhân viên nghiên cứu nền tảng, sau đó chụp ảnh hàng nghìn sản phẩm của cửa hàng, bao gồm đồ uống, mỳ, đồ ăn nhẹ.
Chuyển sang bán hàng online và hạn chế phòng dịch được nới lỏng giúp doanh thu khởi sắc, Mersai nói. Tuy nhiên, vài tuần trước, nạn thù ghét người gốc Á lại đẩy nhân viên cửa hàng vào tình thế khó khăn.
Một nhân viên người Mỹ gốc Á của cửa hàng bị đấm vào mặt trên đường đi làm về. Chưa rõ vụ tấn công có phải do thù ghét hay không, nhưng tất cả nhân viên đều nâng cao cảnh giác.
"Chúng tôi luôn dặn nhau đi đâu cũng phải thành cặp, thành nhóm đông nhất có thể", Mersai nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)