Điều khiến Abinales, người đã di cư tới Mỹ hơn 30 năm trước, lo lắng nhiều nhất là cô con gái 17 tuổi sắp tốt nghiệp trung học và chuẩn bị vào đại học. Abinales, giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Hawaii-Manoa, cho biết làn sóng bạo lực nhắm vào người gốc Á ở Mỹ gần đây khiến anh tự hỏi liệu gia đình, đặc biệt là con gái, có an toàn không.
"Rất nhiều trường học con bé nộp đơn đều ở Bờ Đông, nơi báo cáo nhiều vụ tấn công nhắm vào người gốc Á. Điều đó khiến con bé rất lo lắng. Do đó, gia đình tôi đang tranh luận liệu có để con bé ở lại Hawaii hay không", anh nói.
Đây không phải lo lắng của riêng Abinales. Người châu Á trên khắp nước Mỹ đã cảnh giác cao độ sau khi làn sóng thù ghét người gốc Á tăng mạnh gần đây. Nhưng cảm giác tuyệt vọng và tức giận có thể cảm nhận được trong những người Mỹ gốc Philippines, cộng đồng người nước ngoài lớn thứ tư ở quốc gia này, sau Mexico, Ấn Độ và Trung Quốc, theo Viện Chinh sách Di cư ở Washington.
Sau khi Nhà Trắng hôm 30/3 công bố 6 bước chính phủ liên bang Mỹ sẽ thực hiện để giải quyết tình trạng tấn công người gốc Á, tổ chức bảo trợ Liên đoàn các Hiệp hội người Mỹ gốc Philippines (NaFFAA) thông báo thành lập lực lượng đặc nhiệm chống thù ghét để hỗ trợ người di cư Philippines và người Mỹ gốc Á khác.
"Tôi rất thất vọng và lo lắng cho an toàn của người Mỹ gốc Á, cộng đồng người Philippines khi nghe tin này. Cách đối phó duy nhất của chúng tôi là hành động", Brendan Flores, chủ tịch NaFFAA, nói.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr, người đã chia sẻ tin tức về vụ tấn công trên Twitter, cảnh báo làn sóng thù ghét người gốc Á gia tăng sẽ ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của nước này. "Vấn đề này được nghiêm túc ghi nhận và sẽ ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Philippines", Locsin đăng Twitter.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không cho rằng mối quan hệ ngoại giao của Manila và Washington sẽ thay đổi do làn sóng phân biệt đối với người Mỹ gốc Philippines, nếu xét đến mối quan hệ an ninh lâu năm giữa hai nước.
Renato de Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte coi người Mỹ gốc Philippines là người Mỹ, nên tình cảm dành cho họ sẽ không nhiều bởi ông "vốn có tư tưởng chống Washington".
"Làn sóng thù ghét người gốc Á là vấn đề nội bộ của Mỹ và nên được giải quyết theo cách đó", de Castro nói.
Truyền thông Philippines đã đưa tin dày đặc về vụ Vilma Kari, người phụ nữ 65 tuổi đã rời Philippines vài thập kỷ trước, bị tấn công ở New York. Bà bị chấn thương nghiêm trọng, gồm gãy xương chậu. Kẻ tấn công là Brandon Elliot, 38 tuổi, mới được ân xá gần hai năm trước sau khi phạm tội giết mẹ. Elliot bị buộc tội hành hung và cố tình tấn công vì thù ghét.
Hơn hai triệu người Philippines đã sống ở Mỹ cho tới năm 2018, chiếm 4,5% trong tổng số 44,7 triệu dân nhập cư của quốc gia châu Mỹ này, theo ước tính của Viện Chính sách Di cư. Sự phẫn nỗ của người Philippines xuất phát từ việc bà Kari bị tấn công vô cớ vào ban ngày khi đang tới nhà thờ và cách hai người làm việc ở tòa chung cư sang trọng gần đó không can ngăn vụ tấn công. Thậm chí có người còn vội vàng đóng cửa khi kẻ tấn công rời đi, bỏ mặc người phụ nữ gốc Á nằm đau đớn trên mặt đất.
Đây là vụ tấn công thứ hai nhắm vào người Philippines cao tuổi được báo cáo ở thành phố New York tháng này. Hồi tháng 2, một người đàn ông 61 tuổi bị chém vào mặt trên tàu điện ngầm, nhưng kẻ tấn công vẫn chưa được xác định.
Leon Villavicencio, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Philippines tại một tổ chức phi chính phủ ở Philadelphia, cho biết đã không ra ngoài nhiều kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng vẫn lo sợ về hậu quả có thể xảy ra đối với người Mỹ gốc Á khi cuộc sống của họ trở lại bình thường.
"Nó khiến tôi sợ hãi khi nghĩ đến lúc phải quay lại văn phòng hay trở lại thế giới thực, vì tôi có thể phải tự tìm cách bảo vệ mình trước các vụ tấn công", anh nói và thêm rằng đã quen với tình trạng phân biệt chủng tộc "quy mô nhỏ" khi lớn lên ở một vùng ngoại ô chủ yếu là người da trắng ở Massachusetts.
"Tôi đã lớn lên ở nơi mà những người Philippines duy nhất tôi biết là họ hàng của tôi. Những người gốc Á khác ở đây rất ít. Bạn luôn cảm thấy mình lạc lõng và khác biệt", Villavicencio nói.
Villavicencio kể từng phải cười khi bắt gặp những trò đùa phân biệt chủng tộc ở trường trung học để có thể hòa nhập tốt hơn với mọi người. "Tôi từng nghĩ không nên xem những trò đùa đó một cách nghiêm túc, nhưng giờ nhìn lại, bạn nhận ra điều đó thật sai lầm", anh nói.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những khó khăn mà người Philippines ở Mỹ đang phải đối mặt sẽ không thể ngăn cản được mong muốn theo đuổi "giấc mơ Mỹ" của nhiều người khác. Người Philippines đã di cư tới Mỹ từ đầu những năm 1900 để tìm kiếm công việc lương cao hơn. Abinales cho biết từ năm 1906, nhiều nông dân Philippines đã tới Hawaii để làm việc trên các đồn điền ở đây.
Bất chấp việc từng là thuộc địa của Mỹ từ năm 1902 tới 1935, người Philippines vẫn thân thiện đối với người Mỹ, thậm chí một số còn gia nhập quân đội Mỹ, theo Abinales.
Richard Chu, giáo sư người Mỹ gốc Philippines tại Đại học Massachusetts Amherst, chuyên nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Philippines, cho biết người di cư Philippines và nước khác muốn tới Mỹ có thể chỉ xem làn sóng thù ghét người gốc Á là tạm thời và không phổ biến.
"Chừng nào điều kiện kinh tế ở Philippines vẫn còn nghèo khổ, người dân nước này vẫn sẽ tiếp tục di cư tới Mỹ", Chu nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)