Chủng tộc được đánh giá là một trong những vấn đề bao trùm nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, với chính sách nhập cư nghiêm ngặt và nhiều phát ngôn gây tranh cãi từ ông chủ Nhà Trắng, khiến đông đảo người gốc Phi, gốc Mỹ Latinh và cả gốc Á đều chịu ảnh hưởng.
"Theo ý kiến của tôi, Trump đã kích động tâm lý phân biệt chủng tộc và ủng hộ quan điểm này. Do đó, ngày càng nhiều nhóm người không ngần ngại bước ra và sẵn sàng bày tỏ những ý kiến phân biệt chủng tộc", Sylvia Lee, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hiệp hội người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương bang Arizona, cho hay.
"Trong khi đó, Biden đang cố gắng cải thiện bầu không khí trong mối quan hệ giữa các chủng tộc và vấn đề nhập cư", người phụ nữ 62 tuổi đánh giá, nói thêm rằng việc Tổng thống đắc cử chọn Kamala Harris, nữ thượng nghị sĩ có mẹ gốc Ấn Độ và bố gốc Jamaica, làm "phó tướng" chứng minh sự quan tâm đến toàn thể cộng đồng.
Mặc dù đứng ở phía đối lập, Cliff Li, giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia người Mỹ gốc Á thuộc đảng Cộng hòa tại Washington, đồng quan điểm với Lee. Ông cho rằng phó tổng thống đắc cử Harris, người đạt được vị trí chưa người Mỹ gốc Á nào từng chạm tới, "thấu hiểu nỗi khó khăn mà cộng đồng này phải đối mặt với tư cách những người nhập cư mới".
Từ khi rời Trung Quốc đến Mỹ vào năm 1990, Li luôn trung thành với phe bảo thủ. Ông thậm chí từng là thành viên Ủy ban Cố vấn người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương cho chiến dịch của Trump năm 2016, nhưng năm nay quyết định bỏ phiếu cho Biden.
"Giữa lúc đại dịch hoành hành, Trump lại gọi nCoV là virus Trung Quốc. Những hành động kiểu đó thực sự vô trách nhiệm, bởi nó làm tổn thương dân châu Á tại Mỹ. Trump nói về virus như một trò đùa", người đàn ông 54 tuổi nêu ý kiến, nhấn mạnh rằng động thái của Tổng thống đã "đổ dầu" vào sự ác cảm đối với cộng đồng gốc Á tại Mỹ nói chung.
Li cho biết trong một bài viết trên trang blog RedState, ông còn bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc từng cố gắng thâm nhập vào nội bộ đảng Cộng hòa, sau khi kêu gọi công chúng bỏ phiếu cho Biden. Li đã bác bỏ cáo buộc này.
Theo một khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 4/10 người Mỹ cho rằng mọi người bày tỏ quan điểm phân biệt chủng tộc về người châu Á nhiều hơn so với trước Covid-19, đại dịch khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 31% người châu Á trưởng thành nói rằng họ bị nói xấu, đùa cợt vì gốc gác hoặc chủng tộc kể từ khi đại dịch bùng phát, cao hơn so với con số 21% của người da màu trưởng thành, 15% của người gốc Latinh trưởng thành và 8% người da trắng trưởng thành.
Người gốc Á là nhóm chủng tộc phát triển nhanh nhất trong cộng đồng cử tri tại Mỹ, với hơn 11 triệu cử tri đủ điều kiện bầu cử trong năm nay, theo Trung tâm Pew. Họ tạo thành nhóm cử tri quan trọng tại một số bang chiến trường như Arizona và Pennsylvania, những nơi đã "từ đỏ hóa xanh" và đứng về phía Biden.
"Chúng tôi mong đợi Joe Biden giúp đất nước xích lại gần nhau, cùng hợp tác để tìm ra tiếng nói chung", Li cho hay, mặc dù thừa nhận không đồng ý với nhiều chính sách của Tổng thống đắc cử như đề xuất tăng thuế và kế hoạch y tế. Li hy vọng đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì thế đa số tại thượng viện để kiểm soát Biden, trước nguy cơ ông buộc phải thỏa hiệp với những người cấp tiến đã giúp ông giành chiến thắng.
Đồng quan điểm với Lee và Li, nhà lập pháp bang Washington Sharon Tomiko Santos, một người Mỹ gốc Nhật sinh ra tại San Francisco, đã chỉ trích chính quyền Trump vì "tìm cách gây suy yếu, nếu không muốn nói là loại bỏ hoàn toàn, mọi điều luật quan trọng về dân quyền được ban hành kể từ năm 1964".
Santos, đảng viên Dân chủ thuộc hạ viện bang Washington, tin tưởng liên danh Biden - Harris sẽ giúp thúc đẩy quyền lợi và mối quan tâm của người Mỹ gốc Á, cũng như các cộng đồng thuộc chủng tộc khác.
"Biden và Harris đã dành phần lớn sự nghiệp của họ để bảo vệ hiến pháp và pháp luật Mỹ, giúp tôi có lý do để tin rằng những hành động vi hiến và bất hợp pháp chống lại người thuộc chủng tộc khác sẽ không được dung thứ", Santos nói.
Ánh Ngọc (Theo Kyodo)