Người mang thai hộ được xác định trong tài liệu của tòa án British Columbia viết tắt là K.B, còn người đàn ông tên M.S.B. Họ gặp nhau vào mùa xuân năm 2014 và nảy sinh quan hệ tình cảm ngay sau đó. K.B tuyên bố cô đã mang thai với M.S.B. hai lần và cả hai đều phải phá.
Mặc dù vậy, K.B đã chủ động đề nghị làm người mang thai hộ cho M.S.B. và vợ, bởi anh và người vợ đã cố gắng trong 5 năm mà không thể thụ thai.
Cả ba đã tới Ấn Độ vào tháng 7/2016 để cấy phôi của M.S.B và vợ vào tử cung K.B nhưng không thành. Một tháng sau, K.B tuyên bố cặp vợ chồng này đã yêu cầu cô mang thai hộ bằng việc dùng trứng của chính cô. Tuy nhiên thay vì thực hiện ở phòng khám bằng các thủ thuật can thiệp, thì người chồng đề nghị thụ thai tự nhiên.
"Hơn nữa K.B nói anh này cũng hứa nếu cô đồng ý kế hoạch thì khi thành công sẽ bỏ vợ và cùng nuôi con chung với cô như vợ chồng", tài liệu tòa án viết.
Người chồng trình bày với tòa án hơi khác. Anh thừa nhận chuyện ngoại tình nhưng tuyên bố không qua lại với K.B trước khi đứa trẻ được thụ thai. Và từ đầu đến cuối kế hoạch luôn là anh và vợ là cha mẹ hợp pháp của đứa trẻ.
Anh đã cung cấp cho tòa án nhiều tài liệu cho thấy K.B phấn khích đến thế nào lúc được mang thai con cho họ, cũng như thỏa thuận mang thai hộ quy định cặp vợ chồng sẽ chịu "toàn bộ trách nhiệm về đứa trẻ".
K.B phủ nhận đã ký văn bản này. Cô cũng đưa ra tài liệu 2 lần phá thai, trong đó có số liên hệ của M.S.B trong trường hợp khẩn cấp.
Trong hai năm sau sinh, K.B cho biết đã đóng vai "người mẹ" trong cuộc sống đứa trẻ. Cô cho con bú, thay tã, nấu ăn và đưa đi khám. Cô ở bên đứa trẻ 5-6 lần mỗi tuần và được gọi là "cô".
Mối quan hệ tay ba rạn nứt khi K.B bắt đầy đưa ra "yêu cầu ngày càng quá đáng", bao gồm các chuyến thăm đứa bé và 100.000 đôla. Cặp vợ chồng cho biết đã trả cho K.B khoản mang thai hộ 40.000 đôla năm 2017, nhưng cô lại cho biết "đây là món quà" của người chồng.
Sự dây dưa của K.B và người chồng đã chấm dứt từ mùa hè 2018. Đến tháng 2/2020, cặp vợ chồng từ chối bất cứ quyền thăm nom nào của cô. K.B đệ đơn vào tháng 7/2020, mong muốn được xác nhận là mẹ đứa trẻ và yêu cầu được tham gia nuôi dạy, giám hộ và cấp dưỡng.
Thẩm phán tòa án tối cao Warren Milman mới đây cho biết quyết định nguồn gốc đứa trẻ sẽ được đưa ra tại phiên tòa tháng Một năm sau, còn hiện tại đang cân nhắc liệu có nên cho K.B quyền thăm nom con gái hay không.
Thẩm phán Milman cho biết những tình tiết của vụ án này "chưa từng có trong tiền lệ". Cả hai bên đều có lý lẽ hợp lý về lý do tại sao đứa trẻ nên hay không nên dành thời gian cho mẹ ruột của mình.
Cuối cùng thẩm phán đi tới quyết định rằng hiện tại đứa trẻ cần sự ổn định và cặp vợ chồng là cha mẹ duy nhất mà em bé biết. Nếu K.B. được phép chăm sóc con gái vào những thời điểm nhất định trước khi phiên tòa xử thì sẽ "không thể che giấu cảm xúc thực sự của cô ấy dành cho đứa trẻ". Thẩm phán đi tới phán quyết K.B không gặp là tốt nhất cho đứa trẻ lúc này.
Bảo Nhiên (Theo Thedailybeast)