Tạp chí trào phúng Pháp Charlie Hebdo hôm nay xuất bản ấn phẩm mới, có trang bìa vẽ hình nhà tiên tri Mohammed với giọt nước mắt rơi trên má, cầm một tấm biển viết rằng "Je suis Charlie" (Tôi là Charlie), khẩu ngữ đang trở thành biểu tượng cho sự ủng hộ đối với tạp chí và quyền tự do thể hiện ở châu Âu. Ở phía trên nhà tiên tri Mohammed là dòng chữ "Tất cả đều được tha thứ".
Hai tên Hồi giáo cực đoan hôm 7/1 tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có một số biên tập hàng đầu. Khi hành động, hai tay súng tuyên bố chúng trả thù cho nhà tiên tri.
Nhiều người Hồi giáo phản đối tất cả tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed, dù chúng có mang tính tôn kính hay không. Họ cho rằng những hình ảnh như vậy đi ngược lại lời dạy của ông và dẫn đến việc thờ phụng người trần.
Việc tạp chí Charlie Hebdo đặt nhà tiên tri lên trang bìa ấn phẩm đầu tiên kể từ sau cuộc tấn công không phải là điều ngạc nhiên. Tuy nhiên, lần này, thay vì khắc họa nhà tiên tri một cách tiêu cực, tạp chí lại hướng đến một cách đi khác, và cũng nhận được phản ứng khác của một số người Hồi giáo.
"Suy nghĩ ban đầu của tôi là trang bìa là một câu trả lời hoàn hảo với thảm kịch", Hussein Rashid, một giáo sư về tư tưởng Hồi giáo tại Đại học Hofstra ở New York cho biết. "Họ không từ bỏ việc khắc họa Mohammed, họ vẫn đang thể hiện quyền tự do ngôn luận. Đồng thời, thông điệp mà họ hướng đến là hòa giải, nhún nhường, và hy vọng sẽ làm giảm sự tức giận của công chúng với cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp".
Zineb El Rhazoui, một nhà báo trong tổ sản xuất ấn phẩm mới của Charlie Hebdo nói với BBC rằng các nhân viên không muốn thể hiện sự thù hận với những kẻ khủng bố đã giết đồng nghiệp của mình.
"Sự động viên tinh thần đang lan tỏa tại Pháp sau khi tội ác khủng khiếp xảy ra phải mở cửa cho sự tha thứ. Mọi người phải suy nghĩ về sự tha thứ này".
Trang bìa mới của tạp chí đang được lưu truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Người Hồi giáo có phản ứng khác nhau trước biếm họa này, từ thận trọng cho đến thưởng thức, từ phật ý cho đến phẫn nộ.
Yahya Ibrahim Adel, một lãnh tụ Hồi giáo tại Australia, kêu gọi 100.000 người theo dõi trên Facebook noi theo gương nhà tiên tri Mohammed, ngay cả khi họ thấy những hình ảnh mà họ tin là báng bổ.
"Rõ ràng là khi biếm họa được phát hành trở lại, người Hồi giáo sẽ không tránh khỏi bị tổn thương và tức giận. Tuy nhiên, phản ứng của chúng ta phải phản ánh được giáo lý của nhà tiên tri", Ibrahim nói. "Kiên nhẫn, hiền hòa, khoan dung, và vị tha là những phẩm chất của nhà tiên tri đáng kính mà chúng ta cần học theo".
Những người Hồi giáo khác cho biết họ cảm nhận được tình cảm của tạp chí. Rashid nhấn mạnh rằng thông điệp chính của bìa tạp chí là sự tha thứ. Nó sẽ mang đến sự đồng cảm không chỉ ở trong đạo Hồi mà còn cả các tôn giáo khác. "Trang bìa là một tiếng gọi đến các thiên thần đẹp đẽ hơn, và một sự thừa nhận rằng tôn giáo đem lại điều tốt lành cho thế giới."
Ý kiến trái chiều
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Hồi giáo khác lại chỉ trích trang bìa. "Dù cho bức họa có vẻ không mang tính công kích, nó vẫn sẽ bị coi là báng bổ và cố tình khiêu khích", Dawud Walid, giám đốc điều hành tăng hội Michigan của Hội đồng quan hệ Mỹ - Hồi giáo nói.
Kinh Koran, văn bản chính của Hồi giáo, không có quy định cấm khắc họa nhà tiên tri. Tuy nhiên, theo hadith, tài liệu ghi lại câu nói của Mohammed và những người thân cận nhất, nhà tiên tri can ngăn các tín đồ vẽ mình để tránh việc thờ phụng người trần.
Walid nói rằng trang bìa mới của Charlie Hebdo "sẽ khiến nhiều người tức giận", nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng "hơn 99,999% của 5 triệu người Hồi giáo ở Pháp đã hành động một cách ôn hòa khi các ấn bản trước được phát hành".
Một người Hồi giáo sử dụng tên Libya Liberty khẳng định trên Twitter rằng cô đòi hỏi công lý cho các nạn nhân. Tuy nhiên, cô cũng viết rõ "1,6 tỷ người Hồi giáo muốn bày tỏ tình đoàn kết để phản đối lại tội ác này, nhưng bạn đang nói với họ rằng nếu muốn làm vậy, họ phải chấp nhận bị chế giễu. Không thể được. Tôi vẫn nghi ngờ việc phát hành một ấn phẩm khiến 1,6 tỷ người ôn hòa cảm thấy bị xúc phạm liệu có thể mang lại cho ai niềm vui hay không".
Yasir Qadhi, một giáo sĩ người Mỹ được nhiều tín đồ tin tưởng, cho biết ông không chấp nhận bất kỳ bức vẽ nhà tiên tri Mohammed nào. Tuy nhiên ông cũng cho rằng trang bìa lần này của Charlie Hebdo rõ ràng không giống như những lần trước. Nó không nhằm mục tiêu châm biếm Hồi giáo.
Nhiều người Hồi giáo dường như không muốn bình luận về trang bìa của Charlie Hebdo, hoặc không để tâm đến nó.
"Chúng ta hãy phớt lờ những hành động khiêu khích và phỉ báng. Hãy truyền đi lòng tốt và sự khoan dung đến tất cả những người chúng ta gặp", Imam Zaid Shakir, một giáo sĩ nổi tiếng và là học giả đến từ California, đăng trên Facebook trong tuần này. "Thánh Allah sẽ ban phước cho các con và giúp các con vượt qua khó khăn".
Phương Vũ (Theo CNN)