Giới chức Pháp vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân khiến các tay súng tấn công Charlie Hebdo, tạp chí trào phúng tại Paris, khiến 12 người thiệt mạng. Theo truyền thông Pháp, các tay súng đã hét lên "Chúng tao báo thù cho nhà tiên tri!" khi họ xông vào tòa soạn.
Charlie Hebdo là tạp chí từng đăng tải tranh khắc họa nhà tiên tri Mohammed thường theo hướng tiêu cực, khiến nhiều người Hồi giáo trên thế giới phẫn nộ.
Quy định cấm khắc họa nhà tiên tri Mohammed
Theo Hadith, tài liệu ghi lại câu nói của nhà tiên tri Mohammed và những người thân cận nhất, việc khắc họa ông bị cấm. Điều này nhằm tránh việc thờ phụng ông, vốn đã lan rộng tại nơi "khai sinh" của Hồi giáo ở Arab.
Một giáo lý trọng yếu của đạo Hồi là Mohammed là con người chứ không phải là Thượng Đế. Việc khắc họa ngoại hình của ông có thể dẫn đến việc tôn thờ một người trần thay vì Thánh Allah.
"Tất cả đều bắt nguồn từ quan niệm thờ phụng đấng linh thiêng. Trong Hồi giáo có một quan niệm mạnh mẽ cho rằng Thượng Đế phản đối tất cả sự khắc họa Người và những cá nhân được sùng bái", Akbar Ahmed, trưởng khoa Nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Mỹ cho biết.
"Nhà tiên tri cho rằng nếu mọi người nhìn thấy khuôn mặt của mình được khắc họa bởi những người khác, họ sẽ bắt đầu thờ phụng ông", Ahmed nói thêm. "Vì vậy, chính ông đã phản đối những hình ảnh như vậy và khẳng định rằng 'tôi chỉ là người trần'".
Trong các nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni, những chi nhánh lớn nhất của đạo Hồi đều không có hình ảnh vẽ người. Không gian thường được trang trí với những câu trích từ kinh Qur'an. "Tranh vẽ và hình ảnh đều bị cấm thờ phụng", Mohamed Magid, một lãnh tụ Hồi giáo và cựu giám đốc của Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ cho biết.
Trong lịch sử từng có những người Hồi giáo khắc họa nhà tiên tri, đặc biệt là trong các dòng không phải là Sunni, Omid Safi, một giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Duke cho biết và liệt kê các nước Iran, Thổ Nhĩ Kỹ và khu vực Trung Á là những nơi có hình ảnh của Mohammed.
Tuy nhiên, ngay cả việc khắc họa Mohammed của các họa sĩ Hồi giáo cũng là một vấn đề nhạy cảm. Ahmed, đại sứ Pakistan tại Anh và Ireland, nói rằng nghệ sĩ Hồi giáo trong thế kỷ 15 và 16 đã vẽ nhà tiên tri, nhưng tránh khắc họa khuôn mặt ông.
"Họ sẽ vẽ như thể nhà tiên tri đang mang mạng che mặt. Vì vậy, giáo hội chính thống không thể phản đối bức họa của họ. Đó là giải pháp mà họ nghĩ ra", Ahmed nói.
Trong một bộ phim Hồi giáo có tên gọi "Người đưa tin", được lưu hành khắp thế giới Hồi giáo trong những năm 1970 và 1980, người xem chỉ có thể nhìn thấy bóng của nhân vật nhà tiên tri.
"Trả thù"
Các học giả tôn giáo cho rằng quy định cấm khắc họa nhà tiên tri Mohammed không bị vi phạm trong những thế kỷ trước đó vì sự ngăn cách giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây.
Trong thời đại toàn cầu hóa, những người không theo đạo Hồi và các nhà phê bình Hồi giáo đã tự do khắc họa Mohammed, kể cả theo hướng tiêu cực. Việc mô tả nhà tiên tri một cách trào phúng không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên nó chỉ xuất hiện vào thời hiện đại, Hussein Rashid, một giáo sư nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Hofstra ở New York cho biết.
Ở Mỹ, nơi những người Hồi giáo đã tương đối hòa nhập với cuộc sống, các phần tử cực đoan hồi năm 2010 phản đối hình ảnh của nhà tiên tri Mohammed trong một tập phim hoạt hình biếm họa "South Park". Sau đó, họa sĩ Molly Norris tại Seattle đề xuất tổ chức ngày "Mọi người vẽ chân dung Mohammed", để phản ứng trước lời dọa giết những người tham gia sản xuất tập phim hoạt hình nói trên. Sau khi hoạt động này được thông báo, lãnh đạo của al-Qaeda ở bán đảo Arab vào thời điểm đó, Anwar al-Awlaki đưa Norris vào danh sách đen của tổ chức.
Một họa sĩ truyện tranh người Đan Mạch năm 2006 vẽ nhà tiên tri đội một quả bom đã châm ngòi giống như một chiếc khăn xếp, làm kích động các cuộc biểu tình trên khắp thế giới.
"Tại châu Âu, nơi người Hồi giáo còn cảm thấy "bí bách", những hình ảnh này không chỉ được coi là trào phúng, mà còn bị cho là hành vi ức hiếp", Rashid nói.
Tuy quy định cấm khắc họa Mohammed nhằm mục đích tránh người Hồi giáo thờ phụng ông, các cuộc tấn công bạo lực để phản đối hình vẽ nhà tiên tri lại xuất phát từ nguyên nhân là những hình ảnh này không thể hiện sự tôn kính", Rashid nói thêm.
Tòa soạn Charlie Hebdo tháng 11/2011 bị thiêu cháy vào đúng ngày tạp chí dự kiến phát hành số mới, có trang bìa dường như nhằm châm chọc luật lệ Hồi giáo. Bức biếm họa vẽ nhà tiên tri Mohammed để râu và vấn khăn, với một bong bóng lời thoại viết "phạt 100 roi nếu ngươi không cười lăn lộn".
Hồi tháng 9/2012, trong khi Pháp phải đóng cửa đại sứ quán ở khoảng 20 quốc gia vì sự phẫn nộ toàn cầu với bộ phim mang nội dung xúc phạm đạo Hồi, "Sự ngây thơ của người Hồi giáo", Charlie Hebdo lại tiếp tục xuất bản một tranh biếm họa về nhà tiên tri.
Nhà báo của Charlie Hebdo, Laurent Leger vào thời điểm đó giải thích rằng biếm họa không nhằm khiêu khích để gây phẫn nộ hoặc kích động bạo lực."Mục đích chỉ là gây cười", Leger nói BFMTV vào năm 2012. "Chúng tôi muốn cười nhạo những kẻ cực đoan. Họ có thể là người Hồi giáo, Do thái hoặc Công giáo. Ai cũng có thể theo một tôn giáo nào đó, nhưng những suy nghĩ và các hành vi cực đoan là điều chúng tôi không thể chấp nhận".
Tuy nhiên, đối với nhiều người Hồi giáo, việc mô tả Mohammed, nhà tiên tri được tôn thờ và là một mẫu mực về đạo đức không phải là vấn đề gây cười. "Đáp trả bằng bạo lực rõ ràng là sai trái", Rashid nói, "tuy nhiên, những hành vi này không thật sự vì phẫn nộ tôn giáo, mà mục đích chính là để trả thù".
Phương Vũ (Theo CNN)