"Nạn nhân là những bà mẹ Hàn Quốc" là dòng tít trên tờ báo lớn nhất của Hàn Quốc cuối tuần qua. Trong số 8 người chết hôm 16/3, 6 người là phụ nữ gốc Á, 4 trong đó là người gốc Hàn ở độ tuổi 51-74.
Vụ xả súng đã gây rúng động khắp đất nước 52 triệu dân. Trong nhiều thập kỷ kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc duy trì mối quan hệ thân thiết với Mỹ. Hai bên là đồng minh và có mối quan hệ văn hóa chặt chẽ.
Gần như mọi người Hàn Quốc đều quen ai đó có người thân hoặc bạn bè sống ở Mỹ. Mỹ cũng là điểm đến du học phổ biến nhất đối với học sinh, sinh viên Hàn Quốc.
Lee Myung-kyu, nhân viên văn phòng 55 tuổi, cho biết nhiều gia đình Hàn Quốc mơ ước nhập cư vào Mỹ với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Con gái ông cũng muốn du học Mỹ nhưng Lee giờ đây e ngại. "Tôi cứ trăn trở liệu chuyện tương tự có nguy cơ xảy ra với con bé không", Lee nói.
Cảnh sát địa phương cho biết nghi phạm là người đàn ông da trắng đến từ Georgia, đã khai rằng động cơ gây án là chứng nghiện tình dục. Tuy nhiên, giới chức đang điều tra xem liệu vụ giết người có động cơ chủng tộc hay không.
Cuộc tấn công đã làm dấy lên sợ hãi khi cảnh sát và các quan chức chính phủ cho biết tội ác thù ghét với người Mỹ gốc Á đã gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc.
Han Ye-rim, 32 tuổi, cho biết từ lâu cô đã coi Mỹ là một xã hội đa dạng. Nhưng khi nhìn vào danh sách nạn nhân có nhiều điểm chung với mình, Han giờ đắn đo về việc rời Seoul để đến Mỹ. "Vụ Atlanta là lời cảnh tỉnh đối với tôi. Tôi nhận ra tôi có thể bị nhắm mục tiêu vì khác biệt nếu rời khỏi nước mình".
Điều trớ trêu là người Hàn Quốc và những người Mỹ gốc Hàn gần đây cảm thấy vị thế của họ ở Mỹ đã cao lên. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Hàn Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Cách đây chưa đầy một năm, bộ phim "Parasite" đoạt giải Oscar ở hạng mục phim hay nhất. Nhóm nhạc BTS gần đây biểu diễn tại lễ trao giải Grammy và đứng đầu bảng xếp hạng album của Billboard.
Trong khi đó, nhiều người Hàn Quốc đổ xô đến rạp để xem bộ phim Mỹ "Minari", mô tả một gia đình người nhập cư Hàn Quốc ở vùng nông thôn Arkansas. Bộ phim vừa được đề cử một số giải Oscar.
"Thật kỳ lạ, một mặt, văn hóa đại chúng được đón nhận. Mặt khác, người gốc Á trở thành nạn nhân bạo lực", Abraham Kim, giám đốc điều hành Hội đồng người Mỹ gốc Hàn, nhóm phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, cho biết.
Truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin đậm về vụ xả súng ở Atlanta. Trong một bài xã luận giữa tuần trước, báo thiên tả Kyunghyang Shinmun nói rằng xã hội Mỹ "không thể tự vệ trước các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc". Tờ báo thiên hữu Segye Ilbo kêu gọi Mỹ thực hiện "các biện pháp hiệu quả để tội ác chống lại nhân loại không mọc rễ".
Tổng thống Biden cuối tuần trước cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành. Ông bày tỏ thương tiếc với các nạn nhân và tuyên bố "tội ác thù ghét không có chỗ ở Mỹ".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi vụ giết người ở Atlanta là chấn động, trong khi Bộ Ngoại giao nước này ủng hộ nỗ lực chống thù hận và bạo lực của chính phủ Mỹ. "Không thể chấp nhận tội ác như vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố.
Đi bộ với một người bạn tại con đường cách đại sứ quán Mỹ ở Seoul vài dãy nhà, nơi đang treo cờ rủ để tưởng niệm các nạn nhân xả súng, Yoon Ji-a nhớ thời cô từng sống ở California khi còn nhỏ. Cha mẹ cô từng vài lần bị kỳ thị nhưng sự kiện ở Atlanta đã khiến cô bất ngờ. "Thật đáng sợ", Yoon, sinh viên đại học 20 tuổi, nói.
Khoảng 1,8 triệu người gốc Hàn sống ở Mỹ. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, người gốc Hàn sống chủ yếu ở các khu vực đô thị của Los Angeles, New York và thủ đô Washington. Atlanta là nơi có số người gốc Hàn sống cao thứ bảy ở Mỹ.
Jean Lee, 48 tuổi, có hai con sống ở Mỹ. Bà lo sợ các con của mình sẽ là mục tiêu bị kỳ thị. "Rất nhiều lời lăng mạ người gốc Á xuất hiện khi mọi người bắt đầu gọi nCoV là 'virus Vũ Hán'. Thật không may vấn đề này chỉ được đưa ra ánh sáng sau vụ xả súng", Lee nói. "Đã muộn cho những người gốc Á đã chịu đựng phân biệt đối xử quá lâu".
Jenna Lee, 25 tuổi, chủ trung tâm mua sắm trực tuyến, cho biết cô từng sống ở Atlanta hai năm thời niên thiếu. Gần đây cô đã xem phim "Minari" với cốt truyện về những người nhập cư đang gặp khó khăn. Nó khiến cô tự hỏi liệu người Mỹ gốc Á có mãi mãi bị coi là người nước ngoài và mãi mãi vô hình.
"Người châu Á không chỉ là những người cố gắng hòa nhập vào xã hội Mỹ, Lee nói. "Vụ xả súng cho thấy chúng ta dễ bị phân biệt đối xử như thế nào".
Phương Vũ (Theo WSJ)