Đúng vào thời điểm căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sau vụ hạ sát tướng Qassem Soleimani, đại tá Hakimzadeh có thể sớm quay lại vùng biển gần Iran. Là chỉ huy tàu sân bay Harry S. Truman, ông có thể góp mặt trong bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào với quê hương cũ.
Đại tá Hakimzadeh sinh ra ở Texas, Mỹ, có bố là người Iran và mẹ là người Mỹ. Sau khi Hakimzadeh ra đời, gia đình chuyển tới Iran và sống ở đó tới khi ông 11 tuổi. Ông cùng gia đình chạy trốn tới ngoại ô thành phố Hattiesburg, bang Mississippi, Mỹ khi Cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra năm 1979.
Hakimzadeh gia nhập hải quân Mỹ năm 1987 và nhận được học bổng ROTC sau đó. Ông tốt nghiệp Đại học Carnegie Mellon và trở thành thành viên tổ bay của E-2 Hawkeye, máy bay đóng vai trò như trung tâm chỉ huy trên không cho nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ.
Trong 33 năm phục vụ quân ngũ, đại tá Hakimzadeh, thường gọi là Hak, từng 8 lần chỉ huy tàu sân bay thực hiện nhiệm vụ ở Iraq và Afghanistan.
Hak hiện chỉ huy tàu sân bay Harry S. Truman, một trong những nền tảng vũ khí đáng gờm nhất thế giới, cao 20 tầng, chạy bằng năng lượng hạt nhân và lá cờ chiến màu đỏ mang dòng chữ "GIVE 'EM HELL" (Cho chúng nếm mùi địa ngục).
Tàu Truman có thể nhanh chóng triển khai hàng chục tiêm kích mang theo bom và tên lửa có độ chính xác cao ở gần như bất cứ khu vực nào trên thế giới. Đây được xem như '"thành phố nổi" với thủy thủy đoàn hơn 5.000 người, cửa hiệu cắt tóc, phòng tập thể dục và phòng ăn rộng.
Hakimzadeh hy vọng quá trình thăng tiến của ông, từ con trai một người Iran nhập cư tới đại tá chỉ huy tàu sân bay, cho thấy đó là sự đền đáp xứng đáng cho những cống hiến và nỗ lực của ông trong thời gian phục vụ lực lượng hải quân và quốc gia Mỹ. "Đó chắc chắn là minh chứng cho nước Mỹ thấy rằng người đàn ông tên Kavon Hakimzadeh có thể làm được", ông nói.
Người nhập cư từ lâu chiếm tỷ lệ lớn trong quân đội Mỹ và không ít người trong số họ từng rời khỏi Iran từ nhỏ và trưởng thành ở Mỹ. "Chúng tôi yêu cuộc đấu tranh cho tự do và muốn góp sức theo mọi cách có thể", Assal Ravandi, từng là chuyên gia phân tích tình báo của lục quân Mỹ từ năm 2010 đến 2014 và tham chiến ở Afghanistan, cho biết.
Ravandi chia sẻ lúc đầu thấy vô cùng ngạc nhiên khi gặp nhiều người Mỹ gốc Iran phục vụ trong quân đội. "Nhiều người muốn bù đắp điều họ không thể làm ở quê nhà", Ravandi cho hay.
Ravandi cho biết thêm nhiều cựu chiến binh gốc Iran giờ không biết nên làm gì trong bối cảnh căng thăng Mỹ - Iran leo thang. Một số người vẫn còn họ hàng ở Iran và không muốn thấy họ phải chịu cảnh bạo lực.
"Không ai biết nên làm gì", Ravandi, hiện là giám đốc tổ chức dành cho cựu chiến binh, nói. "Nhưng nếu đất nước yêu cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến. Tôi sẽ tái ngũ ngay ngày mai".
Thanh Tâm (Theo NY Times)