Người phụ nữ 81 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, bị ung thư vú di căn. Khối u khiến bà đau đớn nhiều ngày, thành ngực nhiều chỗ tấy đỏ, chảy mủ nhưng không thể vệ sinh. Chỉ cần một cú chạm nhẹ cũng khiến bà co rúm như có ngàn mũi kim châm.
Bác sĩ Trịnh Tú Tâm, 38 tuổi, Trưởng đơn vị Điện quang can thiệp và điều trị đau, Bệnh viện Hữu nghị, nhớ lại ca bệnh hôm 15/1. Để điều trị cho bà, bác sĩ Tâm tiêm thuốc giảm đau phong bế ở khoang dưới cơ dựng sống bên trái.
Tình trạng giảm đau của bà chỉ kéo dài khoảng 2-3 ngày đặt ra vấn đề cần duy trì thuốc hỗ trợ như thế nào để cắt được vòng phản xạ đau. Bác sĩ cùng đồng nghiệp tiếp tục đặt ống thông nhỏ dưới cơ dựng sống để tiêm thuốc cho bà 3 lần/ngày. Sau đó, tình trạng giảm đau của người phụ nữ kéo dài hơn, vết thương ngoài da khô dần và được thay băng, vệ sinh thuận lợi.
Đây là một trong hàng trăm bệnh nhân ung thư được bác sĩ Tâm điều trị can thiệp giảm đau tại Bệnh viện Hữu nghị.
Đến với anh phần nhiều là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, đã sử dụng nhiều loại thuốc song hiệu quả giảm đau chỉ hạn chế. Cơn đau do ung thư khiến họ không thể ăn, ngủ, sinh sống như người bình thường. Vài người thậm chí nghĩ tới tự sát để được giải thoát.
Nữ bệnh nhân ung thư mới 30 tuổi từng được bác sĩ Tâm can thiệp giảm đau. Trải qua những thăng trầm cảm xúc, từ cú sốc khi mới phát hiện bệnh, đến việc thanh thản chấp nhận cái chết, người mẹ trẻ chỉ mong muốn được ôm con thoải mái trong thời gian cuối đời.
"Tôi trăn trở không biết có cách nào giúp cô ấy đỡ đau hơn dù một vài ngày cũng được", bác sĩ nói. Sau khi điều trị, mức độ đau đớn của người bệnh giảm từ 8-9/10 xuống còn 3-4/10. Bệnh nhân phần nào hoàn thành tâm nguyện nhờ phương pháp điều trị của bác sĩ.
Trước khi đến với lĩnh vực điện quang can thiệp và điều trị đau, nhiệm vụ chính của bác sĩ Tâm là làm siêu âm, đọc phim X-quang, cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, những công việc ấy chủ yếu đóng góp vào chẩn đoán bệnh.
"Chỉ khi bước vào kỹ thuật điện quang can thiệp và điều trị đau, tôi mới thực sự cảm thấy mình giúp được người bệnh", anh bộc bạch.
Bác sĩ trực tiếp cảm nhận nỗi đau đớn hay niềm hạnh phúc của bệnh nhân. Đồng thời, anh tự tay can thiệp các thủ thuật, theo dõi diễn biến, triệu chứng, hiệu quả từ phương pháp điều trị của mình. Công việc này đóng góp cả vào chẩn đoán lẫn điều trị, từ đó hỗ trợ cuộc sống người bệnh nhiều hơn.
Thách thức lớn nhất từng xảy đến với bác sĩ Tâm là hai lần tự tay điều trị cho bố và mẹ. Lần đầu tiên vào năm 2017, khi bố anh bị chảy máu ổ bụng rất nhiều do động mạch gan bị tổn thương. Tình trạng bệnh rất nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt do lượng máu mất nhiều dù được truyền máu liên tục.
"Lúc đó, một đồng nghiệp đã khuyên tôi không được trực tiếp làm cho bố. Họ sợ rằng tâm lý của tôi không vững vàng, không thể thực hiện thủ thuật", bác sĩ nhớ lại.
Tuy nhiên, lúc đó một số người thầy và đồng nghiệp không thể điều trị cho bố anh do vướng lịch công tác. Tình trạng của ông xấu đi từng phút. Không thể chờ đợi thêm, bác sĩ Tâm quyết định tự thực hiện thủ thuật cho bố mình.
Lần thứ hai vào năm 2019, khi mẹ anh bị xẹp một đốt sống ngực do vận động sai tư thế và bệnh loãng xương sẵn có. Bà bị đau, không thể ngồi dậy. Sau khi khám, chụp phim để chẩn đoán xác định, bác sĩ thực hiện bơm xi măng sinh học vào đốt sống bị vỡ lún cho mẹ.
"Đó là món quà bất đắc dĩ tặng cho mẹ vào đúng ngày 8/3/2019", bác sĩ nhớ lại.
Đứng trước ca bệnh và cũng là người thân thiết nhất của mình, bác sĩ Tâm gặp áp lực tâm lý. Anh lo lắng việc điều trị có thể không thành công, bản thân không đủ bình tĩnh sẽ đưa ra những quyết định sai lầm. Trong trường hợp can thiệp cho bố, một số thành viên trong gia đình còn khuyên anh nên đưa ông sang bệnh viện khác điều trị.
Vượt lên áp lực, bác sĩ Tâm tự nhủ bản thân mình yêu thương bố mẹ cũng như người nhà bệnh nhân yêu thương bố mẹ của họ.
"Nếu không dám điều trị cho bố mẹ mình, có lẽ không người nào dám gửi gắm bố mẹ vào tay bác sĩ nữa. Vì vậy, tôi thực hiện thủ thuật rất bình tĩnh", bác sĩ Tâm nói.
Sau khi nút mạch, lá gan của bố anh ngừng chảy máu tại vị trí tổn thương và dần ổn định. Người cha cảm ơn con trai đã cứu sống mình. Còn mẹ anh có thể ngồi dậy, đi lại chỉ sau 30 phút can thiệp.
Bác sĩ Trịnh Tú Tâm tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Nguyên năm 2007. Năm 2008, anh về công tác tại Bệnh viện Hữu nghị. Gần 13 năm làm nghề, bác sĩ Tâm đưa nhiều kỹ thuật vào điều trị cho người bệnh như nút mạch khối u gan bằng hóa chất, nút mạch điều trị u xơ tử cung và tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, điều trị đau cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối... Tuy nhiên, anh cho rằng bản thân chưa thành công bởi còn nhiều kỹ thuật cần học hỏi và dần làm chủ.
Bác sĩ Tâm dự định tiếp tục phát triển những kỹ thuật điện quang can thiệp và điều trị đau để giúp nhiều người bệnh thoát khỏi đau đớn.
"Các kỹ thuật điều trị đau có thể không giúp kéo dài cuộc sống của những người bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên, chúng sẽ hỗ trợ người bệnh, giải thoát họ khỏi sự khốn khổ, nâng chất lượng sống, dù chỉ thêm một thời gian ngắn", bác sĩ nói.
Chi Lê