Việc cha mẹ để lại tài sản với hy vọng con cháu về sau đỡ vất vả, đỡ mất nhiều thời gian công sức khởi nghiệp là điều đúng đắn, đáng trân quý.
Tuy nhiên theo tôi, việc này chỉ nên thực hiện với những gia đình có ít điều kiện, có ít tài sản, chỉ đủ một cái nhà, miếng đất cho con lập thân. Còn đối với những người giàu có vài chục, vài trăm tỷ, nếu ai cũng chỉ chăm chăm việc để lại tất cả tài sản cho con thì thật đáng buồn.
Khi mất đi, dù không phải người giàu có, tôi cũng sẽ hiến một phần tài sản (30-50%) vào các quỹ do mình lập ra, hoặc đã có uy tín để hỗ trợ cho thế hệ sau. Chẳng hạn như quỹ vì môi trường, y tế, giáo dục, ngoại giao, tài trợ nhân tài... Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho xã hội, cho nhân loại mà không hoàn toàn để hết tài sản lại cho con.
>> Bi kịch tuổi già khi giao hết tài sản cho con
Nếu các con giỏi thì chẳng cần tài sản của tôi cũng tự lập thân, lập nghiệp được. Tuy sẽ vất vả và mất thời gian nhưng các con sẽ đạt thành tựu.
Nếu con không giỏi giang nhưng được giáo dục tốt và có lòng tự trọng thì cũng chỉ mượn tiền cha mẹ, người thân lúc ban đầu khởi nghiệp. Khi làm ăn thành công, con cũng gởi trả lại hay giúp ngược những người đã hỗ trợ mình.
Còn nếu con mình đã được giáo dục, tạo điều kiện chu đáo mà vẫn dở tệ, đạo đức kém chỉ lo ăn chơi, hưởng thụ thì cha mẹ có để lại hết tài sản chắc rằng trong khoản thời gian ngắn cũng sẽ tiêu tan. Nếu vậy, cha mẹ chỉ nên để lại một phần tài sản nào đó, cho hết chỉ làm hại cho con, hại cho xã hội.
Hơn nữa khi ta để hết lại tài sản cho con, chỉ là mang lợi ích cho cá nhân, cho dòng tộc của mình. Nếu mình giúp được một phần nào đó cho cả thế hệ sau, cho nhân loại thì trong đó cá nhân, gia đình của chúng ta cũng sẽ được hưởng lợi ích.
Bạn không thể giàu có, an nhiên hưởng thụ một mình khi có thiên tai, địch họa. Môi trường sống độc hại thì cá nhân, gia đình có nhiều tiền cũng sẽ không khỏe mạnh, hạnh phúc được.
Nếu ai cũng cống hiến một phần tài sản của mình cho sẽ giúp xã hội phát triển bền vững. Khi đất nước hùng mạnh thì thiên tai địch họa dịch... bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, hóa giải bằng những giải pháp, phương cách tối ưu.
Cho đi không có nghĩa là cho tất, là đứt đoạn, là mất hết. Cho đi cần mang tính bền vững. Ví dụ thành lập tổ chức tư nhân đào tạo nhân tài, hỗ trợ nhân tài (học phí, nhà thuê trọ, trang thiết bị nghiên cứu...). Hay lập công ty cho thuê các tài sản nhà cửa bất động sản mà bao năm mình tích lũy được. Từ đó, lấy tiền thụ động để tài trợ cho y tế, giáo dục, ngoại giao, môi trường. Hoặc lập các giải thưởng để khuyến khích nhân tài ví như giải: Giải thưởng nhân tài đất Việt, giải Nobel, Fields... hay như Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quân giúp đỡ nhân tài, nuôi người tài để giúp nước chẳng hạn.
Như vậy, con cháu sau này vừa có thể lập nghiệp riêng vừa có thể điều hành hoạt động các quỹ, tổ chức này mãi mãi, bền vững giúp ích cho thế hệ mai sau.
>> Con cái không được xem tài sản của cha mẹ là 'bầu sữa'
Những người tài năng được hỗ trợ, khi đạt được thành tựu trong tương lai sẽ quay lại giúp đỡ các tổ chức mà chúng ta lập ra, từ đó đóng góp cho đất nước, cho xã hội, mang tính bền vững.
Để tạo thành quỹ lớn, có giá trị nhằm giúp đỡ thế hệ sau được hữu ích và lan tỏa mạnh mẽ, tôi nghĩ không chỉ cá nhân chia sẻ mà còn nên tập hợp tạo thành tập thể một thế hệ. Những thế hệ sinh năm 60, 70, đến giai đoạn này đã bắt đầu có tuổi và ít nhiều thành đạt, có thời gian, tiền bạc có thể có điều kiện để chia sẻ cho thế hệ sau.
Tôi nghĩ cha mẹ chỉ nên lập di chúc cho đi dần dần khi còn sống, và cho hết khi mình đã cao tuổi. Không nên cho hết cùng một lúc vì tuổi già còn nhiều biến cố xảy ra mà không thể lường trước hết được.
Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Dù có giáo dục cẩn thận đến mấy vẫn có thể có đứa con hư vì nhiều lý do khác, có khi do ngoại cảnh, do dâu rể, người ngoài, xã hội tác động. Hay khi đã phân chia hết tài sản vào các quỹ, các tổ chức đến lúc tuổi gia bệnh tật không có tiền chi trả, làm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
DBQ
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.