Theo thống kê của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, trong giai đoạn 2004-2014, khoảng 23.000 triệu phú Ấn Độ đã ra nước ngoài định cư. Báo cáo Đánh giá Di trú Tài sản Toàn cầu ước tính riêng trong năm 2020, khoảng 5.000 triệu phú Ấn Độ, chiếm 2% nhóm có thu nhập đặc biệt cao tại nước này, đã xin định cư tại quốc gia khác.
Ấn Độ cũng đứng đầu danh sách những nước có công dân xin cấp visa hoặc quốc tịch Anh bằng cam kết đầu tư, theo hãng tư vấn Henley & Partners (H&P).
Lakshmi Mittal, 71 tuổi, chủ tịch tập đoàn thép và khai thác khoáng sản ArcelorMittal trị giá 53 tỷ USD, đang sở hữu ba dinh thự ở London. Cơ ngơi lớn nhất tại Anh của ông nằm tại đại lộ Bishops, còn được ví von là đường tỷ phú, một trong những khu phố giàu nhất thế giới.
Mittal gọi đây là "cung điện mùa hè", được xây theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ bằng cùng loại đá của đền Taj Mahal. Ông mua hai dinh thự còn lại vào năm 2008, sau đó tặng một căn cho con gái.
Bốn anh em Srichand, Gopichand, Prakash và Ashok Hinduja của tập đoàn đa ngành xuyên quốc gia Hinduja Group cũng sở hữu một loạt cơ ngơi xa hoa ở thủ đô nước Anh. Với tổng giá trị tài sản hơn 31,7 tỷ USD, họ đã chi hơn 500 triệu USD để thâu tóm chuỗi 4 căn nhà 6 tầng hạng sang liền kề.
Adar Poonawalla, CEO Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đầu năm nay cũng rời thành phố Pune nước này để chuyển sang dinh thự hơn 2.300 m2 ở Mayfair, London. Cơ ngơi được ông thuê lại từ một tỷ phú Ba Lan với giá 69.000 USD/tuần.
Theo giới phân tích, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều người giàu Ấn Độ tìm đường đến định cư ở những nước phát triển. Nirbhay Handa, giám đốc và trưởng nhóm nghiên cứu Nam Á tại H&P, cho biết số công dân Ấn Độ sử dụng dịch vụ tư vấn định cư ở nước ngoài năm 2020 tăng khoảng 62,6% so với một năm trước. Những điểm đến được giới siêu giàu Ấn Độ ưa chuộng nhất gồm Anh, Canada, Bồ Đào Nha, Áo, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia và Mỹ.
"Canada và Australia hấp dẫn nhất, nhưng quá trình xử lý hồ sơ của hai nước này khá lâu, còn mức đầu tư ngày một cao, nên người giàu Ấn Độ hiểu hai lựa chọn này có mặt hạn chế", Handa cho biết.
Mô hình đổi đầu tư lấy quyền cư trú của các nước không rẻ, nhưng với giới doanh nhân Ấn Độ, những chương trình này không đơn thuần là quyền tậu nhà mua đất ở nước ngoài. Thị thực hoặc hộ chiếu ở nước ngoài cho phép họ không "để tất cả trứng vào một giỏ", đảm bảo an ninh tài chính với khối tài sản khổng lồ của mình.
Theo Handa, những chương trình đổi đầu tư lấy quốc tịch ở Malta hay Áo còn mở ra cơ hội định cư cho các tỷ phú Ấn Độ ở mọi nước thành viên EU.
Anh là điểm đến "nóng" nhất trên thị trường bất động sản của giới siêu giàu Ấn Độ, theo Sushil Aggarwal, chuyên gia thuộc Purple Bricks. Hãng nhận rất nhiều lời hỏi mua nhà ở London từ Ấn Độ, đặc biệt giữa giai đoạn giá bất động sản cao cấp ở London đang giảm vì Brexit và hai nước nới lỏng quy định thị thực.
"Anh được các tỷ phú trong giới tinh hoa ở Ấn Độ ưa chuộng, vì đầu tư vào đây còn mang lại 'giá trị thể diện' trong cộng đồng gốc Ấn", ông nhận định.
Theo báo cáo năm 2019 của hãng bất động sản Knight Frank, London là điểm đến yêu thích của 74% người giàu Ấn Độ. Số công dân Ấn Độ mua nhà cao cấp ở London cũng tăng 11% so với năm 2018.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo hiện tượng các tỷ phú Ấn Độ ồ ạt ra nước ngoài định cư sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế đang phát triển của nước này.
"Người giàu sẽ tự loại bản thân, năng lực khởi nghiệp khỏi thị trường và cắt thu nhập, tài sản khỏi hệ thống thuế. Hiện tượng này gây hại về dài hạn. Trào lưu ra nước ngoài định cư của giới siêu giàu phát tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh ở Ấn Độ", Rupa Subramanya, chuyên gia Quỹ châu Á Thái Bình Dương ở Canada, cho biết.
Điển hình cho tư duy này là ông trùm thép Ấn Độ Anil Agarwal. Trong tuyên bố năm 2019, ông nói phải rời bỏ quê hương vì môi trường làm ăn ở Ấn Độ không giúp ông thỏa chí kinh doanh. Agarwal cho biết nhờ đặt chân lên nước Anh, ông mới biến Vendata Resources từ một công ty phế liệu khiêm tốn thành gã khổng lồ trong ngành thép và khoáng sản thế giới.
"Cuộc chuyển dịch có thể là tín hiệu không hay về tương lai. Những cá nhân có tài sản kếch xù thường là nhóm tháo chạy đầu tiên. Họ hội đủ những điều kiện mà tầng lớp trung lưu không có", Andrew Amoils, trưởng nhóm nghiên cứu cho hãng phân tích tài chính New World Wealth, nhận định.
Trung Nhân (Theo SCMP/ BBC/ Times of India)