Adar Poonawalla, tỷ phú 39 tuổi, là giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Vào thời điểm Poonawalla đưa ra quyết định, vaccine Covid-19 của AstraZeneca, "vũ khí" mà ông đặt cược, vẫn trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Không ai dám chắc mất bao lâu để hoàn thiện sản phẩm, chưa nói đến việc nó có hiệu quả hay không.
Trong khi đó, để tiến hành kế hoạch, Poonawalla đầu tiên phải huy động được gần một tỷ USD, với cam kết cung cấp vaccine cho hàng trăm triệu dân ở các nước nghèo. Nếu canh bạc thành công, Poonawalla sẽ cứu được vô số mạng sống, đồng thời thu về khoản lợi nhuận giúp ông giàu có hơn nữa.
Bước đầu của kế hoạch đã thành công, khi các nhà tài trợ trên thế giới tin tưởng và trao tiền cho Poonawalla. Lý do dường như khá đơn giản, bởi rất ít cơ sở trên thế giới có quy mô sản xuất vaccine như của SII.
SII được Cyrus Poonawalla, cha của Adar Poonawalla, thành lập cách đây 55 năm, sản xuất 1,5 tỷ liều vaccine phòng sởi, rubella, uốn ván và nhiều bệnh khác mỗi năm. Các lô hàng chủ yếu được phân phối đến những quốc gia thu nhập thấp và tại Ấn Độ. Poonawalla ước tính hơn 50% trẻ sơ sinh trên thế giới tiêm vaccine được sản xuất tại SII.
Cyrus Poonawalla hiện là người giàu thứ 7 Ấn Độ với số tài sản trị giá hơn 16 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg. Adar Poonawalla đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành từ năm 2011 và được truyền thông Ấn Độ gọi bằng biệt danh "Hoàng tử vaccine".
Để chuẩn bị cho việc sản xuất vaccine AstraZeneca, Poonawalla cho biết ông chi 800 triệu USD mua hóa chất, lọ thủy tinh và các nguyên liệu thô khác, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất tại nhà máy của SII ở thành phố Pune, phía tây Ấn Độ.
Trong khoản đầu tư này, hơn 250 triệu USD đến từ quỹ của SII và 300 triệu USD là tiền tài trợ từ Quỹ Bill và Melinda Gates, tổ chức hợp tác cùng SII để cung cấp vaccine giá rẻ hoặc miễn phí cho những nước thu nhập thấp. Phần còn lại do các quốc gia khác thanh toán khi SII bắt đầu nhận đơn đặt hàng vaccine.
Tổng cộng, SII đồng ý sản xuất tối đa 200 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia, như một phần của thỏa thuận với Quỹ Bill và Melinda Gates cùng Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu GAVI. Tuy nhiên, các cam kết được đưa ra trước khi vaccine AstraZeneca được phê duyệt. Nếu thử nghiệm thất bại, SII sẽ phải vứt bỏ số vaccine đã sản xuất.
Poonawalla giải thích rằng SII có thể ra quyết định nhanh chóng hơn nhiều công ty khác bởi đây là doanh nghiệp do gia đình điều hành. "Tính linh hoạt trong khả năng quyết định ngay tại chỗ thực sự là yếu tố thay đổi cuộc chơi, giúp chúng tôi có thể thực hiện mục tiêu", Poonawalla nói.
Kế hoạch dường như thuận lợi khi vaccine AstraZeneca được cơ quan quản lý dược phẩm Anh cấp phép sử dụng vào tháng 12/2020. SII sau đó bắt đầu cung cấp vaccine cho người dân Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Đến tháng 5, GAVI đã nhận khoảng 30 triệu liều vaccine từ nhà sản xuất Ấn Độ.
Tuy nhiên, tham vọng của Poonawalla gặp thách thức nghiêm trọng khi làn sóng Covid-19 thứ hai tấn công Ấn Độ hồi mùa xuân. Vào lúc đỉnh điểm, nước này ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và giới chuyên gia cho biết con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Tại thời điểm đó, mới chỉ 2% trong tổng số 1,3 tỷ dân Ấn Độ được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, trong khi chính phủ chậm trễ đặt thêm nguồn cung. Do không có nguồn dự trữ lớn, các bang tại Ấn Độ dần cạn kiệt số vaccine vốn hạn chế. Vì vậy, chính phủ Ấn Độ quyết định ngừng xuất khẩu vaccine, khiến SII không thể tiếp tục thực hiện cam kết "cứu thế giới".
"Tôi luôn là một người yêu nước. Nếu đất nước cần cơ sở sản xuất của tôi trước, tôi phải làm như vậy", Poonawalla cho biết. Tuy nhiên, tình huống này đã gây tổn hại những quốc gia nghèo nhất thế giới. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh châu Phi cho biết việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine có thể là "thảm họa" đối với cả châu lục.
Khi được hỏi tại sao một liên minh vaccine toàn cầu lại phụ thuộc quá nhiều vào một nhà sản xuất, phát ngôn viên của GAVI giải thích rằng họ không có nhiều lựa chọn. "Hồi đầu năm nay, rất ít vaccine được phê duyệt và có sẵn để triển khai", người phát ngôn cho hay, nói thêm rằng quyết định ký hợp đồng với SII là "lẽ thường" vì họ có quy mô sản xuất lớn. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cho rằng việc chỉ trông cậy nguồn cung vào một nhà sản xuất là sai lầm.
Một số người còn cho rằng Poonawalla không giao đủ số lượng vaccine cam kết ban đầu, đồng thời cáo buộc tỷ phú 39 tuổi không minh bạch về cách sử dụng khoản vốn sản xuất vaccine huy động được. "Không có nhiều giải trình về số tiền ông ấy huy động được chi vào đâu", Malini Aisola, đồng sáng lập Mạng lưới Hành động Dược phẩm Toàn Ấn Độ, cho hay.
Tháng 6/2020, SII cam kết sản xuất một tỷ liều vaccine AstraZeneca cho các nước thu nhập thấp và trung bình, với 400 triệu liều sẵn sàng vào cuối năm 2020. Nhưng đến tháng 1 năm nay, công ty chỉ có sẵn khoảng 70 triệu liều. So với số vốn mà Poonawalla huy động được, nhiều người cho rằng hiệu quả sản xuất chưa tương xứng.
Truyền thông quốc tế cũng cho rằng tình trạng thiếu vaccine trên toàn cầu liên quan tới một số vấn đề của SII, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ và vụ hỏa hoạn tại cơ sở sản xuất ở Pune hồi đầu năm. Vào thời điểm đó, Poonawalla cho biết đám cháy không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất vaccine, nhưng sau đó đảo ngược tuyên bố và nói rằng đây là trở ngại lớn.
Hồi tháng 4, khi số ca nhiễm nCoV tại Ấn Độ tăng vọt, Poonawalla quyết định hạ giá vaccine và gọi đây là "cử chỉ từ thiện". Tuy nhiên, bình luận này bị chỉ trích nặng nề, bởi các nhà hoạt động cho rằng lợi nhuận dù thấp đến đâu vẫn là lợi nhuận cho SII.
"AstraZeneca từng tuyên bố sẽ không kiếm lời từ những nước thu nhập thấp và trung bình trong thời kỳ đại dịch, nhưng điều này dường như không áp dụng đối với SII", Aisola nêu quan điểm.
Theo hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca, các công ty mà họ ký hợp đồng chuyển giao công nghệ như SII sẽ tự định giá sản phẩm. SII từ chối cho biết họ thu được bao nhiêu lợi nhuận từ vaccine, trong khi Poonawalla cho rằng việc mọi người hy vọng các công ty không thu lợi từ vaccine là cách nhìn "rất vô lý và ngây thơ".
Dù Poonawalla chưa đạt được những mục tiêu cao cả ban đầu, giới quan sát đánh giá ông và SII vẫn có cơ hội đưa hoạt động sản xuất vaccine trở lại quỹ đạo, sau khi tình hình Covid-19 ở Ấn Độ đã hạ nhiệt. Điều này được cho là đóng vai trò quan trọng đối với mục tiêu chấm dứt bất bình đẳng vaccine trên thế giới.
Ấn Độ cũng quyết định nối lại xuất khẩu vaccine sau khi tỷ lệ tiêm chủng trong nước gia tăng. Tính đến cuối tháng 10, nước này đã tiêm được hơn một tỷ liều vaccine. Năng lực sản xuất của SII cũng tăng lên 160 triệu liều một tháng vào tháng 9. Công ty tới nay đã giao khoảng 700 triệu liều vaccine, phần lớn dành cho Ấn Độ.
Ngoài ra, SII còn đang mở rộng quan hệ đối tác, như ký thỏa thuận với hãng công nghệ sinh học Mỹ Novavax để sản xuất loại vaccine đang chờ phê duyệt của công ty này.
"Đây là một kế hoạch đầy rủi ro đã được lường trước", Poonawalla đề cập đến quyết định đầu tư sản xuất vaccine Covid-19 từ năm ngoái. "Nhưng thật ra lúc đó tôi không thấy lựa chọn nào khác. Tôi chỉ cảm thấy mình sẽ hối hận nếu không đưa ra bất cứ cam kết nào".
Ánh Ngọc (Theo CNN)