Từ 8 năm trước, sau khi nghỉ hưu tại Viện Kiểm sát địa phương, ông Sun bắt đầu học tại Đại học cao niên Anqiu, tỉnh Sơn Đông. "Tôi muốn làm đa dạng sở thích và học một số kỹ năng đặc biệt để không lãng phí tuổi già", ông nói.
Đại học cao niên Anqiu cung cấp 30 khóa học, gồm khiêu vũ, opera, thanh nhạc, thư pháp, violin... Học phí mỗi khóa khoảng 100 nhân dân tệ (khoảng 350.000 đồng) một kỳ. Đây không phải khoản quá lớn so với quỹ hưu trí của người già Trung Quốc.
Lớp học của ông Sun có khoảng 20 sinh viên. Sau nhiều năm tìm hiểu, ông đã bốn lần đổi máy ảnh, sử dụng nó để chụp phong cảnh và con cháu. "Tôi đi đến đâu cũng mang theo máy ảnh", người đàn ông 64 tuổi cho biết không thể rời xa người bạn mới của mình.

Lớp học đàn nhị tại Đại học cao niên Anqiu, ngày 30/12/2021. Ảnh: Xinhua
Theo cuộc điều tra dân số được tiến hành vào năm 2020, Trung Quốc có 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,7% trong số 1,4 tỷ dân. Dân số già dự kiến sẽ vượt 300 triệu người trong 5 năm tới.
Nhiều người cao tuổi đăng ký học đại học không phải vì bằng cấp mà do không có điều kiện làm việc này khi còn trẻ. Việc đi học giúp họ giữ liên lạc với xã hội, cảm thấy mình vẫn có ích và giúp cuộc sống thêm màu sắc. Các đại học cao niên đã thay đổi quan niệm của nhiều người về hưu, chuyển từ "sống sót trong tuổi già" thành "an hưởng tuổi già".
Bà Xin Jianrong, 65 tuổi, là một công nhân đã nghỉ hưu. "Cuộc sống về hưu của tôi được thắp lên nhờ đại học cao niên", bà cho hay. Bà từ chối việc trông nom con cháu, thay vào đó đăng ký học múa và thanh nhạc tại Đại học cao niên Anqiu từ 10 năm trước. "Mẹ muốn theo đuổi đam mê của mình", bà từng nói với các con.
Từ nhỏ, Xin đã yêu thích biểu diễn nghệ thuật nhưng chưa từng có cơ hội học bài bản. Bây giờ, tại trường đại học, bà luôn là người đến lớp sớm và về nhà muộn nhất. Sau giờ học, bà tham gia các buổi biểu diễn, chia sẻ câu chuyện và thành tích của mình ở trường học.
Wang Yuzhen, phó chủ tịch Đại học cao niên Anqiu, cho biết vào năm 2004 khi trường mới thành lập, chỉ vài chục sinh viên cao tuổi đăng ký. Hiện, con số lên tới gần 2.000, trong đó người già nhất đã 70 tuổi.

Lớp thư pháp tại Đại học cao niên Anqiu, ngày 30/12/2021. Ảnh: Xinhua
Theo báo cáo của Trung Quốc về phát triển giáo dục người cao tuổi, số sinh viên tại các trường cao niên đã vượt quá 10,8 triệu người vào cuối năm 2019. Cũng vào thời điểm này, Trung Quốc có khoảng 76.000 cơ sở giáo dục cho người già.
Trường đại học cho người cao tuổi tại Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1980. Ban đầu, các trường được lập ra cho cán bộ đã nghỉ hưu rồi được mở rộng cho tất cả người cao tuổi trên cả nước.
"Già đi không phải điều khủng khiếp. Thay vào đó, từ bỏ, ngừng bước về phía trước và mất hy vọng mới là điều tồi tệ nhất", một sinh viên lớn tuổi bày tỏ.
Thanh Hằng (Theo China Daily)