Năm 2007, trên sân khấu của sự kiện riêng diễn ra tại San Francisco (Mỹ), Mark Zuckerberg tuyên bố Facebook bắt đầu bước vào kỷ nguyên mở cửa với nền tảng ứng dụng mạng xã hội cho các nhà phát triển. "Chúng tôi muốn biến Facebook trở thành một hệ điều hành", CEO mạng xã hội lớn nhất thế giới chia sẻ.
Thông báo ngay lập tức nhận được sự chú ý của giới truyền thông cũng như cộng đồng lập trình viên. Hàng loạt các ứng dụng thú vị lẫn kỳ quặc xuất hiện. Trong thời kỳ các tương tác giữa người dùng với nhau chưa có nhiều như hiện nay, đây thực sự là đòn bẩy cho sự phát triển của Facebook trong giai đoạn đầu tiên.
Những trò chơi kiểu như FarmVille, Friends for Sale... trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Các ứng dụng của bên thứ 3 như Tinder, Spotify... cũng được phép truy cập và liên thông tài khoản Facebook của người dùng. Các ứng dụng "nhảm" ngày nay như bói toán, tên theo tiếng nước ngoài... vẫn thu hút được nhiều người dùng chú ý tại Việt Nam. Mỗi lần sử dụng ứng dụng, người dùng đều dễ dàng bấm vào cho phép truy cập thông tin mà không đắn đo, suy nghĩ.
"Người dùng Facebook hầu như không hề cảm thấy bất an. Chắc chắn, những ứng dụng này, bao gồm cả chính Facebook đã thu thập dữ liệu về cuộc sống của họ. Nhưng họ có vẻ yêu thích sự thuận tiện và cho là chúng vô hại", The New York Times bình luận.
Một thập kỷ sau bước ngoặt của Facebook, hậu quả của việc cho tiếp cận thông tin đã trở nên rõ ràng. Hôm qua, vụ bê bối dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng Mỹ bị thu thập từ công ty thứ ba là Cambridge Analytica để tạo ra những nội dung mang tính ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 bị phanh phui.
Facebook liên tục gặp scandal về bảo mật thông tin nhưng người dùng tỏ ra không mấy quan tâm. |
Cambridge Analytica thực tế không vi phạm pháp luật bởi các thông tin cá nhân này không bị đánh cắp từ các máy chủ của Facebook. Thay vào đó, nó được lấy miễn phí từ một ứng dụng đố vui trên Facebook có tên Thisisyourdigitallife. Ứng dụng này do đại học Cambridge phát triển, thu thập dữ liệu về 270.000 người đã cài đặt nó, cùng với dữ liệu về bạn bè trên Facebook của họ, tổng cộng 50 triệu người. Giáo sư Aleksandr Kogan của trường sau đó đã đưa dữ liệu ông thu được cho Cambridge Analytica.
Về mặt kỹ thuật, chỉ bước cuối cùng trong quá trình thu thập dữ liệu của Cambridge Analytica là vi phạm quy tắc của Facebook - ngăn cấm việc bán hoặc cho đi dữ liệu thu thập bởi ứng dụng của bên thứ 3. Các ứng dụng thứ 3 như vậy có hàng nghìn trên Facebook hiện nay. Chúng có thể thu thập số lượng lớn thông tin cá nhân chi tiết về người dùng Facebook hàng ngày, bao gồm độ tuổi, vị trí, trang mà họ thích, nhóm mà họ tham gia. Người dùng có thể chọn không chia sẻ các thông tin cụ thể nhưng số này rất ít.
Việc thu thập dữ liệu rộng rãi này không chỉ được Facebook cho phép mà còn khuyến khích. Hãng muốn giữ sự "vui vẻ" cho các nhà phát triển khi xây dựng ứng dụng trên nền tảng của mình. Và sự cho phép này được Facebook gọi là tính năng, không phải là lỗi.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook gặp rắc rối bởi những vấn đề tương tự. Năm 2010, một công ty theo dõi trực tuyến là RapLeaf cũng bị cáo buộc thu thập và bán lại dữ liệu từ bên thứ 3 trên Facebook để tiếp thị với các công ty tư vấn chính trị. Facebook khi đó đã chặn truy cập dữ liệu của RapLeaf và siết chặt hơn quy định về việc việc lạm dụng thông tin cá nhân. Năm 2015, hãng đã bỏ hẳn tính năng thu thập dữ liệu từ những người là bạn của người cài đặt ứng dụng bên thứ 3.
Nhưng việc ngăn chặn các nhà phát triển khai thác "kho báu" dữ liệu của Facebook vẫn là một thách thức. Hiện vẫn còn rất nhiều ứng dụng kiểu như Thisisyourdigitallife tồn tại. Chúng vẫn âm thầm thu thập dữ liệu của người dùng và Facebook đang "tiến thoái lưỡng nan" khi không muốn dẹp bỏ nền tảng đầy tiềm năng dù không thể quản lý tốt bảo mật thông tin.
Nhưng theo The New York Times, người dùng Facebook hiện nay cũng đã vô tình "tiếp tay" cho những bê bối bán dữ liệu cá nhân. Họ vô tư chia sẻ thông tin, vô tư sử dụng các ứng dụng của bên thứ 3 và vô cảm với những thông tin đáng lo ngại về bảo mật thông tin của chính họ. Nói cách khác, scandal vẫn cứ diễn ra, nhưng không tác động gì tới thói quen sử dụng Facebook của người dùng. Bê bối mới nhất chỉ khiến Facebook đau đầu với các nhà đầu tư và giới quảng cáo.
Trên Twitter cũng như nhiều mạng xã hội khác, hashtag #DeleteFacebook đang được một số người chia sẻ để kêu gọi cùng nhau xóa tài khoản Facebook của mình. Nhưng như chuyên gia phân tích Omar Akhtar giải thích, mạng xã hội này đã quá phổ biến và ăn sâu vào đời sống con người, nên đối với đa số người dùng khác, họ chẳng bỏ Facebook chỉ vì hãng này gặp rắc rối pháp lý nào đó.