Facebook đã cán mốc 2 tỷ người dùng vào tháng 6 năm ngoái và mạng xã hội này vẫn đang "miễn phí" cho mọi người. Thế nhưng sự thật không phải như vậy, bởi mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn đang kinh doanh thứ mà mọi người ít hoặc không để ý đến: thông tin cá nhân.
Sự riêng tư và thông tin cá nhân là thứ mà người dùng đánh đổi để được sử dụng Facebook mỗi ngày. Theo CNN, những thao tác "thích", "bình luận", "chia sẻ" hay đang bạn đang ở đâu, làm gì... thậm chí là các nội dung bạn trao đổi được Facebook ghi lại chi tiết. Cộng thêm các dữ liệu mà bạn đã cung cấp trước đó như tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ... Facebook có một kho dữ liệu khổng lồ.
Chúng sau đó được lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu cực lớn và bán cho các nhà quảng cáo. Với những gì thu thập được, hệ thống của Facebook sẽ phân tích và gợi ý quảng cáo dựa trên thói quen người dùng. Bạn đừng ngạc nhiên khi một món hàng nào đó xuất hiện trên Newsfeed mà bạn từng trao đổi với người khác thông qua tin nhắn hay gọi video bằng Messenger chỉ ít phút trước đó, bởi mọi thứ đã được Facebook theo dõi.
Facebook không đơn độc. Hầu hết các nhà kinh doanh dịch vụ trực tuyến lớn, như Google, Microsoft, Yahoo, AOL, Amazon, Twitter và Yelp cũng làm như vậy, bởi đó là thứ để họ tồn tại và phát triển. Việc trao đổi dữ liệu với bên thứ ba cũng biến Facebook, Google thành những nhà quảng cáo trực tuyến hàng đầu thế giới. Họ đã có trong tay hàng tỷ người dùng và tất nhiên các nhà quảng cáo phải đổ xô đến họ. Theo eMarketer, Facebook và Google kiểm soát 3/4 thị trường quảng cáo kỹ thuật số trị giá 83 tỷ USD chỉ riêng tại Mỹ.
Tất nhiên, các công ty cũng có những quy định riêng, điều khoản riêng để người dùng không cảm thấy mình bị lợi dụng. Nhưng điều đó không đúng 100%.
Cuối tuần qua, công ty dữ liệu công cộng Cambridge Analytica đã tiết lộ thông tin gây hoang mang, khi có tới 50 triệu thông tin cá nhân của người dùng Facebook bị lợi dụng. Thuật toán của mạng xã hội này đã tìm cách tiếp cận, làm nhiễu thông tin và từ đó làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Lâm Anh