Dạo gần đây, câu chuyện đứt cáp quang biển bỗng dưng trở thành tâm điểm bàn luận dù cho đây không phải chuyện mới mẻ ở Việt Nam. Lý do là thời điểm dịch bệnh, nhiều người phải ở nhà, đổ dồn mọi hoạt động học tập, làm việc, giải trí, liên lạc... lên đường dây Internet của gia đình. Nhưng xui ở chỗ, cứ dăm bữa nửa tháng, cáp quang biển lại đứt, khiến ai cùng nổi khùng vì làm cái gì cũng chậm.
Xin kể cho các bạn một câu chuyện có thật ở công ty tôi. Văn phòng làm việc của tôi đặt trong một tòa nhà tư nhân nhỏ, cùng khoảng ba công ty khác và công ty của chủ nhà. Một ngày nọ, trong năm 2021, tôi ra ngoài hành lang và thấy một anh thợ của nhà mạng đến kiểm tra đường dây kết nối. Hỏi ra mới biết, chị chủ nhà phàn nàn rằng mạng dạo này quá chậm, các cháu không thể học online, nên phải kêu thợ đến.
Vốn tính hóng hớt, tôi hỏi thêm dăm ba câu thì hiểu ra vấn đề: nhà chủ này đang dùng gói Internet của gia đình, giá khoảng hơn 200.000 đồng một tháng, cao hơn vài chục ngàn đồng so với gói mà gia đình bốn người tôi đang dùng. Nghĩ đến đây, tôi bật cười. Mỗi tháng vị gia chủ này tính phí Internet cho mỗi công ty thuê văn phòng là 100.000 đồng. Tất nhiên, họ kinh doanh cho thuê nên phải tính lời cũng là lẽ thường. Nhưng cứ hình dung năm công ty với hàng chục máy tính, cùng nhau chia nhau một đường truyền vốn dành cho hộ gia đình suốt bao năm qua, vậy không chậm mới lạ.
Lướt một vòng trên các bài viết về chủ để này thời gian qua, tối thấy có vẻ phần nhiều bình luận mong muốn đòi quyền lợi từ nhà mạng như phải giảm giá cước, hoặc chí ít là phải nâng cấp băng thông để đảm bảo tốc độ đường truyền liên tục. Lập luận được đưa ra là: "Tôi trả tiền, nên tôi có quyền đòi hỏi". Thực ra, lý luận ấy đúng, nhưng chưa đủ.
>> Ai bảo vệ quyền lợi người dùng bị 10 lần đứt cáp mỗi năm?
Điều khác biệt giữa một bữa cơm sinh viên 20.000 đồng và một bữa cơm nhà hàng hạng sao có giá 2.000.000 đồng là gì? Đó là nếu ăn cơm sinh viên, bạn có thể chê bai đủ thứ, từ thức ăn không ngon, cơm không đủ no, không đủ chất, cho đến thiếu vệ sinh thực phẩm, chỗ ngồi đầy rác khó chịu... Trong khi bữa cơm nhà hàng hạng sao, bạn chỉ có thể phàn nàn một điều duy nhất: giá quá đắt. Tôi lấy ví dụ trên để nhấn mạnh một điều rằng, cả hai trường hợp đều là bạn bỏ tiền ra mua sản phẩm dịch vụ, nhưng cái chê bai nào sẽ chính đáng hơn và sẽ được người bán dịch vụ tiếp nhận hơn?
Quay lại câu chuyện đường truyền mạng Internet ở Việt Nam, tôi vốn là người nghĩ thoáng, nên cũng chẳng mấy khi phàn nàn chuyện mạng chậm. Thực tế ở gia đình tôi, suốt 5 năm qua, tôi vẫn dùng gói thuê bao Internet chỉ có 180.000 đồng một tháng, chấp nhận tốc độ chỉ ở mức đủ dùng. Đến năm nay, do chuyển nhà, tôi đổi lên gói cước tốc độ cao hơn và hoàn toàn không nghĩ gì đến phàn nàn nữa, xem trực tiếp bóng đá 4K không giật chút nào, tải một GB dữ liệu chỉ trong 2-3 phút.
Như vậy, có thể khẳng định theo logic thông thường: nếu hôm nay bạn vẫn đang dùng gói cước như từ ba năm qua, thì việc bạn đòi hỏi chất lượng đường truyền phải đảm bảo như ba năm trước là chuyện không thể. Trước kia đâu có đại dịch, mọi người ra ngoài lúc nào cũng được. Nhưng kể từ ngày Covid "ghé thăm", mọi nhà đều chỉ có thể học online, làm từ xa, giải trí trực tuyến... Khi nhu cầu bị đẩy lên nhiều lần hơn, đương nhiên chất lượng đường truyền sẽ bị giảm sút. Ví như suất cơm sinh viên hôm nay vẫn giữ 20.000 đồng, nhưng khẩu phẩn buộc phải chia cho 3-4 người, vậy làm sao còn đủ tiêu chuẩn?
Thế nên mới nói dịch vụ Internet ở ta dường như đang bị xem nhẹ. Ngày nay, nhiều gia đình sẵn sàng cho con học trường quốc tế, đi nhà hàng phải có gắn sao, đi du lịch phải là tour VIP, vào ngân hàng có người chào đón phòng riêng... nên hình thành tâm lý đòi hỏi. Ở đây, tôi nói vậy không phải để cổ vũ các nhà mạng tăng giá cước. Thực tế, công bằng mà nói, họ vẫn làm tốt ở việc cung cấp gói giá rẻ cho những nhu cầu thấp nhất của các đối tượng khách hàng. Song, họ cũng có rất nhiều gói chất lượng cao hơn với giá cước lớn hơn để phục vụ những nhu cầu cao cấp của khách hàng. Vấn đề là bạn có sẵn sàng bỏ thêm tiền để hưởng dịch vụ tốt hơn, thay vì chỉ muốn trả ít tiền nhưng vẫn đòi dùng hàng "xịn"?
Như nhà chủ chỗ văn phòng tôi thuê, có con lớn đi du học Australia. Đợt vừa rồi, cả gia đình họ qua bên đó du lịch hè, trúng đợt dịch tháng bảy, nên đến giờ vẫn chưa thể trở về Việt Nam. Rõ ràng, họ không nghèo khó, thậm chí là rất có điều kiện, nhưng vẫn phàn nàn chỉ vì con nhỏ không thể học online mượt mà với gói cước thấp.
>> Cáp quang đứt - sao không giảm cước internet?
Lấy thêm một ví dụ khác, chính là câu chuyện bóng đá đang được bàn tán mấy hôm nay. Để tạo ra một đội tuyển mạnh, đòi hỏi chúng ta phải đầu tư rất nhiều và những bước đi phải đúng hướng. Người hâm mộ chúng ta không đóng góp trực tiếp nhiều cho nền bóng đá, nhưng hầu hết đều gián tiếp thông qua việc mua nhiều sản phẩm quảng cáo hơn từ các nhà tài trợ đội bóng. Đây cũng là câu chuyện đau đầu, giữa con gà và quả trứng cái nào có trước?
Các bạn không sai khi chê bai nhà mạng Việt Nam yếu kém, chỉ có đâu đó bảy đường cáp quang ra biển so với hàng chục tuyến của các nước phát triển. Không những vậy, một năm cáp quang ở Việt Nam còn đứt tới 10 lần, vậy ai bảo vệ quyền lợi cho khách hàng? Tôi không dám trả lời câu hỏi này, chỉ biết rằng mấy nhà mạng "yếu kém" của chúng ta, khi bước ra thế giới, cũng bị chèn ép rất nhiều, muốn thuê thêm đường cáp nhưng chưa chắc đã đủ tiền (bị ép giá) hoặc đáp ứng được yêu cầu của bên cho thuê.
Chúng ta chưa xây dựng được mét dây cáp biển nào, nên luôn phải chịu trận, bị động mỗi khi có sự cố. Cũng như hình ảnh đội bóng của chúng ta khi bước ra sân chơi thế giới. Nhưng dựa vào đâu chúng ta có thể đầu tư thêm? Không bàn về những doanh nghiệp lừa đảo tìm mọi cách "móc túi" người tiêu dùng. Thực ra, các nhà mạng của chúng ta đều muốn phục vụ người dân trong nước một cách tốt nhất, bằng cách đem lợi nhuận để tái đầu tư xây dựng hệ thống mạng lớn mạnh hơn. Đánh giá mới đây về tốc độ Internet của chúng ta nằm trong top 50 thế giới, phản ánh khá đúng vị trí của Việt Nam theo xếp hạng GDP toàn cầu năm qua.
Vậy nên, câu hỏi bây giờ phải đặt ra là: người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng đầu tư cho Internet nhà mình nhiều hơn để có được một dịch vụ tốt hơn chưa? Chỉ cần biết chút tiếng Anh và tìm trên Google, bạn có thể thấy ngay giá cước Internet tối thiểu ở Việt Nam đang là khá rẻ so với thế giới. Như tại Pháp, giá cước là 15-20 Euro một tháng trong năm đầu tiên, năm tiếp theo giá lên gấp rưỡi. Hoặc tại Mỹ, giá cước cũng quanh mức 20-30 USD. Trong khi đó, giá cước tại Australia còn cao hơn, khoảng 50-70 AUD. Và tất nhiên, các nhà mạng nước ngoài vẫn đều quảng cáo "tốc độ tối đa", chứ không ai cam kết gì tới tốc độ tối thiểu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.