"48 giờ qua là một cơn ác mộng. Chúng tôi giờ đây cứ rảo quanh khu vực này chứ không biết làm gì hơn", Schloesser, thợ làm bánh ở thị trấn Schuld ở quận Ahrweiler, bang Rhineland-Palatinate, phía tây nước Đức, vừa chia sẻ, vừa tuyệt vọng nhìn đống kim loại, kính vỡ và cây gỗ đổ nát đang chất đống trước cửa tiệm gia đình.
"Lò nướng giờ đây chỉ còn là đống phế thải", cô nói, khi kiểm tra mức độ thiệt hại mà đợt lũ gây ra với tiệm bánh của mình. Mặt tiền của tiệm bánh, nơi cô còn bán bánh mì hai ngày trước, giờ đây chỉ còn là đống gạch vụn.
Schloesser nhớ lại giây phút nước lũ tràn vào thị trấn đêm 14/7. "Chúng tôi đã mua một máy bơm nước đặt dưới hầm, nhưng nó trở nên vô dụng trước dòng nước lũ. Chỉ trong vài phút, một đợt sóng tràn vào nhà", cô kể.
Bắc Rhine-Westphalia và Rhineland-Palatinate là những bang chịu tàn phá nghiêm trọng nhất ở Đức trong trận lũ vừa qua. Người dân địa phương ngày 17/7 mới dần trở về nhà, chứng kiến cảnh tượng hủy diệt mà dòng nước để lại.
Chính phủ Đức ghi nhận ít nhất 133 người thiệt mạng trong đợt lũ lịch sử này. Lực lượng cứu hộ nhận định vẫn còn nhiều thi thể chưa được tìm thấy trong những căn hầm ngập nước và nhà cửa bị cuốn sập.
"Chúng tôi buộc phải dự đoán sẽ tìm thấy thêm nhiều nạn nhân mới", Carolion Weitzel, thị trưởng Erftstadt vừa xảy ra lở đất vì lũ quét, cho biết.
Trên toàn Tây Âu, số người thiệt mạng vì đợt lũ này đã vượt mốc 150. Lực lượng cứu hộ nhiều nước đang chạy đua với thời gian tìm kiếm người sống sót và nạn nhân sau trận lũ lịch sử. Vẫn còn hàng chục người mất tích. Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng nhất tại Tây Đức, đồng thời ảnh hưởng tới các nước Bỉ, Luxembourg và Hà Lan.
Chính phủ Bỉ cho biết ít nhất 24 người đã thiệt mạng và nhiều người còn đang mất tích. Thủ tướng Alexander de Croo gọi thiệt hại ở vùng châu thổ sông Meuse là "chưa từng có tiền lệ" và tuyên bố quốc tang vào ngày 20/7. Luxembourg và Hà Lan cũng khốn đốn vì thiên tai. Mưa lớn nhấn chìm nhiều khu vực dưới nước, cô lập một số cộng đồng dân cư và buộc hàng nghìn người di tản.
Lính cứu hỏa và quân đội Đức đối diện sứ mệnh khắc phục hậu quả lũ lụt đầy thách thức. Xe tăng đã được huy động để dọn dẹp những núi đổ nát mà dòng nước lũ để lại trên đường phố. Nguy cơ vẫn tiềm ẩn khi nước chưa rút hết. Đêm 16/7, một vụ vỡ đập xảy ra ở quận Heinsberg, cách Dusseldorf khoảng 65 km, buộc chính quyền địa phương sơ tán khẩn cấp hơn 700 dân.
"Khối lượng công việc khổng lồ", Tim Kurzbach, thị trưởng thành phố Solingen phía nam vùng Ruhr, xác nhận.
Chính phủ các bang vẫn đang đánh giá thiệt hại của lũ lụt. Nhiều ngôi nhà cần phải phá bỏ do tác động của trận lũ. Việc khôi phục hệ thống khí đốt, điện và dịch vụ điện thoại đang được tiến hành khẩn trương. Hệ thống giao thông liên lạc đứt quãng do thiên tai khiến công tác thống kê người mất tích thêm phức tạp.
Rogert Lewentz, Bộ trưởng Nội vụ bang Rhineland-Palatinate, xác nhận ít nhất 60 cư dân địa phương còn mất tích, hơn 600 người bị thương. Quận Ahrweiler là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 90 ca tử vong, trong đó có 12 thành viên một trung tâm cho người khuyết tật.
Tác động kinh hoàng từ trận lũ lịch sử đẩy vấn đề biến đổi khí hậu trở lại vị trí trung tâm chính trường Đức, ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử. Tờ Der Spiel bình luận: "Sẽ có những phát biểu trong vài ngày tới rằng trận lũ không phải vấn đề tranh cử. Nhưng nó hiển nhiên liên quan. Người dân muốn biết các chính trị gia sẽ làm cách nào để dẫn dắt đất nước vượt qua sự kiện này".
Trung Nhân (Theo AFP)