Sáng 29/10, Fatima Abdulkarim đáp chuyến bay trở về quê nhà Cộng hòa Dagestan. Ngoài dự định giải quyết công việc, thăm gia đình, bà còn hy vọng xin được cấp phép tổ chức một cuộc mít tinh ủng hộ Palestine ở thủ đô Makhachkala.
"Chúng tôi đã xin cấp phép nhằm đảm bảo có thể bày tỏ cảm thông, ủng hộ với người Palestine một cách ôn hòa, không kích động hận thù giữa các sắc tộc", Abulkarim, luật sư hiện sống tại Moskva, cho biết.
Nhưng cuộc biểu tình ôn hòa mà bà mong muốn tổ chức đã không diễn ra. Tối cùng ngày, 1.200 thanh niên địa phương đã xông vào sân bay quốc tế Makhachaka, truy lùng người Do Thái, người Israel được đồn là vừa hạ cánh trên chuyến bay từ Tel Aviv. Ở những nơi khác trong thành phố, hàng loạt cuộc biểu tình chống Israel nổ ra.
Ít nhất 20 người bị thương, 83 người bị bắt trong vụ bạo loạn tại sân bay. Sự kiện khiến nhiều người Do Thái lo lắng về an toàn.
Ovadia Isakov, giáo sĩ Do Thái giáo cấp cao ở Dagestan, bày tỏ lo ngại hàng trăm gia đình Do Thái sẽ gặp nguy hiểm. "Tình hình ở Dagestan đang rất tồi tệ. Cộng đồng Do thái đang sống trong sợ hãi. Họ liên lạc nhưng tôi không biết khuyên họ thế nào. Có khoảng 300-400 gia đình Do Thái ở Derbent. Chúng tôi có nên rời đi? Nhưng đi đâu? Bản thân tôi cũng không cảm thấy an toàn dù hội đường được canh gác cẩn mật", ông Isakov nói.
Hiệp hội Cộng đồng Do Thái ở Nga đã lên án cuộc bạo loạn. "Đây là tình trạng bất ổn quy mô chưa từng có và bất thường ở Bắc Kavkaz và nước Nga hiện đại", hiệp hội ra tuyên bố.
Làn sóng phẫn nộ về xung đột Hamas - Israel đã lan sang Nga, nơi sinh sống của ít nhất 25 triệu người Hồi giáo, gồm nhiều cộng đồng ở Bắc Kavkaz và Volga-Ural. 90% dân số tại các nước cộng hòa thuộc Nga như Chechnya, Dagestan, là người Hồi giáo.
Nhiều cộng đồng đã lên tiếng ủng hộ Palestine. Những buổi cầu nguyện tập thể được tổ chức khắp đất nước. Nhiều tổ chức từ thiện Hồi giáo của Nga đã gây quỹ, thu thập viện trợ để gửi cho các tổ chức từ thiện hoạt động tại Dải Gaza. Tổng số quyên góp có thể lên tới 50 triệu ruble (hơn 530.000 USD), một nguồn tin giấu tên cho biết.
"Không thể thờ ơ trước tình hình Gaza. Palestine là vết thương rỉ máu của người Hồi giáo ở bất cứ đâu. Dù cách hàng nghìn km, chúng tôi luôn cầu nguyện cho họ", một phụ nữ theo đạo Hồi ở Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, nói.
Tuy nhiên, vụ bạo loạn tại sân bay có nguy cơ khiến hình ảnh người Hồi giáo xấu đi và kích động tinh thần bài Hồi giáo. Abdulkarim cho biết rất nhiều người Hồi giáo ở Makhachkala lo lắng, đau buồn vì những gì đã xảy ra. "Tâm lý bài Hồi giáo tồn tại ở Nga và cả ở nước ngoài. Vụ bạo loạn sẽ làm thay đổi thái độ đối với người Hồi giáo. Các tờ báo quốc tế gọi chúng tôi là 'điên rồ, man rợ và nguy hiểm'", Abdulkarim nói.
Abdulkarim cho hay bà "bị tấn công từ mọi phía" theo các diễn biến leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột. Khi lực lượng Hamas kiểm soát Gaza tấn công miền nam Israel ngày 7/10, bà gửi thông điệp chia buồn tới người Israel và bị những đồng hương Dagestan đe dọa. Bà sau đó chia sẻ những thông tin về tình cảnh ở Gaza, nhưng bị những người ủng hộ Israel chỉ trích gay gắt.
"Thế giới của tôi như đảo lộn", bà nói. "Tôi có ba khách hàng là người Do Thái. Một người chấm dứt hợp đồng với tôi. Chúng tôi giải quyết trong êm đẹp, nhưng tôi đã nói với cô ấy rằng bản thân 'không thể không nói lên sự thật'".
Nhiều người ở Chechnya cũng bày tỏ thất vọng về vụ bạo loạn ở sân bay Dagestan. Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov hôm 1/11 cho phép cảnh sát bắn vào người bạo loạn nếu xảy ra tình trạng bất ổn.
"Đám đông ở sân bay không hiểu rằng những người Do Thái bình thường không liên quan gì đến những điều đang diễn ra", Muslim Ediev, nhà sử học Chechnya, nói.
Stefania Kulaeva, chuyên gia tại Trung tâm Chống phân biệt đối xử (ADC) có trụ sở tại Brussels, cảnh báo nếu căng thẳng tôn giáo tiếp diễn, "cả người Do Thái và Hồi giáo đều chịu tổn hại".
Đức Trung (Theo Moscow Times)