Daisuke Inoue, người phát minh ra thiết bị hát karaoke đầu tiên, năm 1943 từng suýt chết khi ngã xuống hồ bơi gia đình lúc lên ba tuổi. Cậu bé khi đó mang tên Yusuke Inoue bất tỉnh suốt hai tuần và bác sĩ cho rằng Inoue chắc chắn bị tổn thương não nếu sống sót.
Nhưng như một phép màu, một sư thầy đã làm lễ cầu phúc cho Inoue và đổi tên Yusuke thành Daisuke, nghĩa là "to lớn" và "cứu giúp". Inoue tỉnh lại và không bị ảnh hưởng sau vụ hôn mê.
Người đàn ông 82 tuổi này đang sống ở Nishinomiya, phía tây thành phố Osaka, Nhật Bản, cùng vợ, con gái, ba cháu ngoại và 7 con chó. Thành tựu nổi bật nhất trong cuộc đời ông chính là chiếc máy đã trở thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu, giúp hàng tỷ người ca hát mà không cần ban nhạc.
Inoue lớn lên trong gia đình làm bánh ngọt, bánh xèo, nhưng cậu không có ý định nối nghiệp mà sớm phát triển đam mê âm nhạc. Sau khi lên cấp ba, Inoue đề nghị ban nhạc của trường cho mình chơi trống, dù chưa từng học cách đọc bản nhạc. Inoue thừa nhận tới bây giờ vẫn không đọc được bản nhạc, mà học giai điệu bằng cách nghe đi nghe lại.
Một bạn nữ đến gặp Inoue, cho hay anh trai đang tìm một tay trống cho ban nhạc chơi ở vũ trường. Inoue tự học một số bài và lén đi biểu diễn vào buổi tối, vì nhà trường lúc đó cấm học sinh làm thêm. Sau những buổi biểu diễn, Inoue thường ngủ gật trên lớp, nhưng chưa từng nghỉ học và vẫn tốt nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp, Inoue làm cho một công ty chứng khoán 8 tháng trước khi nói với bố mẹ về ý định đi lưu diễn cùng ban nhạc. Cậu ngạc nhiên vì bố không hề phản đối mà chúc con may mắn.
Inoue trải qua quãng thời gian tuyệt vời suốt 9 năm phiêu bạt cùng ban nhạc, nhưng tiệc tùng và chơi bời thâu đêm khiến ông gần như không xu dính túi. Ông biết mình giỏi đánh trống, nhưng cũng nhận ra sẽ không bao giờ thành ngôi sao lớn.
Inoue quay về nhà tay trắng năm 28 tuổi, trở thành một tay trống lông bông chơi nhạc trong các quán rượu khắp vùng Kobe. Nhưng bước ngoặt cuộc đời đến với ông từ một cuộc gặp.
"Một ngày nọ, chủ tịch một công ty nhỏ đến câu lạc bộ tôi đang chơi nhạc để nhờ giúp đỡ", Inoue kể. "Ông ấy sắp đi gặp đối tác và biết rằng cả nhóm cuối cùng sẽ tới quán rượu, nơi ông ấy sẽ bị yêu cầu hát vài bài. Ông ấy nói với tôi 'Daisuke, chiếc đàn piano cậu chơi là nhạc cụ duy nhất có thể giúp tôi hát được. Cậu nắm rõ chất giọng của tôi và biết cách làm thế nào cho nó hay hơn".
Từ yêu cầu của doanh nhân này, Inoue thu âm một số "bài tủ" có giai điệu phù hợp nhất vào băng cassette để ông này hát theo. Một ngày sau, doanh nhân này quay lại, cười hết cỡ và đề nghị Inoue thu âm thêm một số bài hát nữa.
Đó là thời điểm Inoue nảy ra ý tưởng về Juke 8, chiếc máy karaoke đầu tiên của nhân loại. Chiếc máy dựa trên ý tưởng đơn giản: Bạn chỉ cần bỏ vài xu vào một chiếc máy nối với micro, loa và âm ly, nó sẽ phát bản nhạc mà bạn muốn hát.
Một người bạn của Inoue có cửa hàng bán linh kiện điện tử. Hai tháng sau, ông lắp ráp hoàn chỉnh Juke 8 với chi phí 425 USD. Ban nhạc của Inoue bắt đầu ghi âm các bản nhạc để phát trên Juke 8 và xây dựng danh mục 300 bài.
"Tôi hát bài karaoke đầu tiên năm 1969", ông nói. "Khi đó, tôi nghĩ sẽ chẳng ai quan tâm đến cái máy, nhưng nó đã gây tiếng vang khi tung ra thị trường năm 1971".
"Nếu tôi không ở Kobe, có lẽ mọi chuyện đã khác. Ở Tokyo và Osaka, mọi người nghe nhạc sống hoặc máy hát tự động nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng ở Kobe, người ta uống rượu và ca hát nhạc sống, với đầy đủ ban nhạc, đàn guitar hoặc organ".
Inoue tự tin thuyết phục chủ 10 quán rượu đặt Juke 8 trong quán, nhưng một tuần sau, khi ông quay lại, họ đều nói rằng rất ít người bỏ tiền ra hát. Không nản chí, ông cử nữ nhân viên nóng bỏng nhất tới các quán và để cô hát vài bài qua Juke 8.
Kể từ đó, "khách hàng giành nhau micro để hát", Inoue cho hay. Tới cuối năm, hơn 200 quán rượu khắp Kobe đã trang bị đầu karaoke thế hệ đầu tiên. Bước ngoặt tiếp theo xảy ra khi hai chủ sở hữu câu lạc bộ ở Kobe mở cửa hàng mới tại Osaka. Trong một năm, công ty của Inoue sản xuất 25.000 máy và cả Nhật Bản lên cơn sốt karaoke.
Về nguồn gốc cái tên karaoke, Inoue cho biết năm 1952, đoàn kịch Takarazuka Kageki nổi tiếng ở Osaka rơi vào khủng hoảng khi dàn nhạc đình công. Buổi biểu diễn bắt buộc phải tiếp tục nên chủ đoàn kịch đã ủy quyền cho một hãng điện tử phát minh cỗ máy có thể phát ra loại âm nhạc mà diễn viên cần để biểu diễn.
Một kỹ sư của hãng điện tử khi tới đoàn kịch xem đã nhận xét: "Tiếng nhạc vang lên, nhưng dàn nhạc trống không". Cụm từ "dàn nhạc trống không" trong tiếng Nhật là kara okesutura, viết tắt thành karaoke.
Inoue đã thuyết phục được một số hãng thu âm lớn nhất góp mặt vào cuộc cách mạng này. Họ nhanh chóng hưởng ứng khi nhận ra cơ hội kiếm tiền bản quyền.
Trong vài năm nỗ lực phát triển, công ty của Inoue đạt doanh thu hàng trăm triệu USD một năm. Ông chỉ cần ngồi nhìn số dư trong tài khoản ngân hàng tăng lên vùn vụt.
Tuy nhiên, giàu sang ập tới quá nhanh khiến Inoue rơi vào tình trạng trầm cảm vì không còn phải làm việc, giao lưu tiếp xúc với mọi người. Vì vậy, ông trao quyền quản lý công ty cho em trai rồi nghỉ ngơi.
Sau vài năm, Inoue thoát khỏi chứng trầm cảm nhờ chú chó cưng có tên Donbei. Ông hy vọng phát minh của mình giúp mang lại niềm vui cho những người đang vật lộn với bệnh trầm cảm ngày nay.
Inoue mua một sân golf bỏ hoang ở Hyogo, xây "viện dưỡng lão" đầu tiên cho chó già và trung tâm huấn luyện chó. "Tôi muốn Nishinomya hoặc Hyogo trở thành nơi đầu tiên không có chó hoang hoặc chó bị chủ bỏ rơi phải bị tiêu hủy", ông nói. "Đây là cách tôi trả ơn Donbei vì đã giúp tôi chữa khỏi bệnh trầm cảm".
Năm 1999, tạp chí Time của Mỹ vinh danh Inoue là một trong 20 người châu Á có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Inoue đã sốc khi biết tin.
Ông cũng không bao giờ hối tiếc vì lỡ cơ hội kiếm hàng trăm triệu USD bản quyền do không xin cấp bằng sáng chế cỗ máy karaoke của mình. "Khi đó, tôi cho rằng bằng sáng chế chỉ dành cho những phát minh khó tin tạo ra từ con số không", ông tâm sự hồi tháng 8/2020. "Đầu karaoke đầu tiên chỉ tập hợp một số linh kiện điện tử có sẵn, vì vậy tôi chưa từng cho rằng nó là một 'phát minh'".
Inoue cho rằng có thể karaoke sẽ không bao giờ trở thành hiện tượng toàn cầu như ngày nay nếu hồi đó chiếc máy Juke 8 đầu tiên được cấp bằng sáng chế.
"Ai cũng thích ca hát. Tôi tin rằng karaoke đem tới cơ hội cho họ cảm nhận được làm ngôi sao", ông nói. "Khi thấy người ta ca hát, tôi lập tức nghĩ tới điều ấy".
Tuy nhiên, karaoke cũng trở thành một trong những phát minh gây tranh cãi hàng đầu trên thế giới. Năm 2009, một khảo sát do chính phủ Anh tiến hành cho thấy karaoke đứng đầu trong danh sách "phát minh gây khó chịu nhất" thế giới.
Năm 2004, Inoue được mời tới Đại học Harvard nhận giải Ig Nobel, giải thưởng thường niên vinh danh nghiên cứu "đầu tiên khiến mọi người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ". Ban tổ chức giải Ig Nobel cho rằng phát minh karaoke của Inoue "tạo ra phương pháp hoàn toàn mới để mọi người học cách chịu đựng lẫn nhau".
Phát biểu lúc nhận giải, Inoue định trích một vài câu hát, nhưng ông quá hồi hộp nên quên mất. Ông bèn rút máy chơi nhạc nhỏ trong túi ra, lắng nghe vài giây đầu và nhớ lại câu hát mình muốn nhắc đến.
"Tôi muốn dạy cả thế giới ca hát, bằng thứ âm nhạc hoàn hảo", ông cất tiếng hát ca khúc từng rất nổi tiếng những năm 1970. Cả khán phòng đứng lên hát theo và ông là người được hoan hô lâu nhất trong lịch sử trao giải Ig Nobel.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)