Vào 23h59 giờ miền đông Mỹ (EST), quả cầu 5 tấn nạm pha lê với hơn 30.000 đèn LED trên nóc toà nhà One Times Square được thả trong 60 giây trên một cột cờ được thiết kế đặc biệt. Nó xuống đến chân cột vào đúng nửa đêm, đánh dấu thời khắc bắt đầu năm mới trong những tiếng hò reo, chúc mừng và mở champagne.
Đó là hoạt động đón năm mới nổi tiếng toàn thế giới. Nhưng ít người biết đến sĩ quan hải quân Anh Robert Wauchope (1788 - 1862), người khai sinh ra quả cầu thời gian - phát minh truyền cảm hứng cho lễ thả cầu ở New York.
Vào thế kỷ 19, nắm được thời gian chính xác là điều rất quan trọng đối với các thủy thủ. Họ phải giữ cho đồng hồ trên tàu tuyệt đối chuẩn xác để tính toán kinh độ nhằm di chuyển đúng trên các đại dương.
Wauchope cho dựng quả cầu thời gian đầu tiên ở Portsmouth, Anh vào năm 1829. Đây là hệ thống báo giờ để mọi người có thể nhìn thấy. Vào 12h55, quả cầu được nâng lên lưng chừng cột. Vào 12h58, nó lên đến đỉnh và vào lúc 13h nó bắt đầu được thả xuống.
"Đó là một tín hiệu rõ ràng", Andrew Jacob, một người phụ trách vận hành quả cầu thời gian tại Đài thiên văn Sydney ở Australia, nói. "Dễ dàng nhận thấy sự chuyển động đột ngột khi nó bắt đầu được thả xuống".
Trước khi có phát minh này, thuyền trưởng thường phải lên bờ và vào đài thiên văn để kiểm tra đồng hồ. Phát minh của Wauchope giúp các thủy thủ hiệu chỉnh đồng hồ mà không cần rời tàu.
"Chúng ta đã quá quen với việc biết thời gian chính xác nhưng thời xưa không như vậy", Emily Akkermans, tại đài Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, London, nói. Nơi đây có quả cầu thời gian lâu đời nhất thế giới, được thả hàng ngày từ năm 1833, ngoại trừ những khi thời tiết xấu, chiến tranh hay có sự cố máy móc.
Quả cầu ở Greenwich gợi cảm hứng cho hàng trăm bản sao trên khắp thế giới trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, từ Jamaica đến Nhật Bản. Thiết bị thường được thiết lập tại những nơi cao gần cảng, trên đỉnh đài quan sát, hải đăng hoặc tháp.
Ý tưởng này không chỉ phục vụ hàng hải mà còn được ưa chuộng ở đất liền. Một số quả cầu thời gian do các chủ cửa hàng đồng hồ vận hành. Tại Jamaica, quả cầu được thả lúc 9h để báo hiệu giờ học, theo một bài báo trên Illustrated London News vào năm 1888.
Mối liên quan giữa quả cầu thời gian và lễ mừng năm mới bắt đầu vào năm 1907. Tờ New York Times khi đó đã tổ chức lễ đón năm mới ở Quảng trường Thời đại từ vài năm trước với chất nổ và pháo hoa. Sau khi giới chức cấm chất nổ, ban tổ chức cần một thứ gì đó lộng lẫy để đánh dấu thời khắc giao thừa và họ tìm thấy nguồn cảm hứng từ quả cầu thời gian của công ty tài chính Western Union Telegraph, đã hoạt động trên mái nhà trụ sở chính của công ty ở Broadway từ năm 1877.
Tờ báo cho chế tạo quả cầu nặng 317 kg với 100 bóng đèn 25 watt. Để tăng sự phấn kích, ban tổ chức đã thay đổi cách báo giờ của quả cầu. Nếu hoạt động như cách thông thường, 0h là thời điểm quả cầu bắt đầu được thả từ đỉnh. Thay vào đó, họ bắt đầu thả cầu vào 23h59 để thời điểm quả cầu chạm xuống đáy cột là thời khắc giao thừa, nhằm tạo hiệu ứng hình ảnh đặc sắc hơn.
Sự kiện mừng năm mới 1908 thành công vang dội và nhiều nước khác đã học theo với các biến tấu. Bermuda thả mô hình củ hành trong khi tỉnh New Brunswick, Canada thả mô hình lá phong.
Đến thập niên 1920, quả cầu thời gian trở nên lỗi thời và bị phá bỏ ở nhiều nơi. Chỉ một số nơi có quả cầu thời gian còn hoạt động như Anh, Australia, Scotland, New Zealand và Ba Lan.
Nhưng truyền thống thả cầu đón năm mới ở New York vẫn được duy trì. Ngày 31/12, phát minh của Wauchope sẽ một lần nữa trở thành trung tâm chú ý của toàn cầu, thực hiện đúng chức năng của nó: thông báo chính xác thời gian.
Phương Vũ (Theo BBC)