Theo Ningbo Evening News, người đàn ông có tên Wang đã bị Tòa án tỉnh Chiết Giang xử phạt một năm ba tháng tù và bị phạt 50.000 nhân dân tệ (7.000 USD) vì tội "hoạt động kinh doanh bất hợp pháp" vào đầu tuần này. Đây cũng là lần đầu một người ở Trung Quốc vào tù vì sử dụng các thiết bị điện tử để gian lận lượt xem và lượt tương tác trên mạng xã hội.
Cáo trạng cho biết, Wang bắt đầu việc "kinh doanh" lượt xem và tương tác mạng xã hội vào cuối năm 2022, khi một người bạn nói về nghề có mức sinh lợi cao được gọi là "brushing". Đây là thuật ngữ đề cập đến việc làm giả các hoạt động trên nền tảng xã hội theo thời gian thực, như tăng số lượt xem, lượt thích, nhận xét và chia sẻ livestream, mô phỏng tương tác thực sự của người xem và đánh lừa người tiêu dùng.
Để thực hiện, Wang đã mua 4.600 smartphone, sau đó kết nối và điều khiển thông qua phần mềm máy tính. Người này cũng mua các thiết bị mạng và VPN, chủ yếu phục vụ các tương tác trên nền tảng TikTok ở nước ngoài bên cạnh mạng xã hội trong nước.
Chỉ với vài cú nhấp chuột trên máy tính, Wang có thể vận hành toàn bộ số smartphone kể trên. "Chi phí cho mỗi smartphone là 6,65 nhân dân tệ (chưa đến 1 USD) mỗi ngày", Wang nói tại tòa, đồng thời giải thích rằng khoản phí cuối cùng cho dịch vụ sẽ phụ thuộc vào số lượng điện thoại và lượng thời gian mỗi điện thoại kết nối với sự kiện livestream đó.
Do dùng tài khoản ảo, chúng đôi khi bị khóa do không xác định được danh tính. Tuy nhiên, Wang cho biết việc tạo lại chúng "rất dễ dàng".
Tính đến tháng 3/2023, tức khoảng bốn tháng sau khi vận hành cỗ máy gian lận, Wang đã kiếm được khoảng ba triệu nhân dân tệ (415.000 USD), chủ yếu cung cấp cho người phát trực tiếp trên nhiều nền tảng khác nhau.
Theo một công tố viên phụ trách vụ án, đang có một số lỗ hổng nhất định trong việc quản lý tài khoản của các nền tảng có tính năng livestream. Ngoài Wang, 17 nghi phạm khác đang bị điều tra vì "vi phạm các quy định quốc gia, cố ý phát tán thông tin giả mạo trực tuyến thông qua các dịch vụ xuất bản để thu lợi nhuận và tác động xấu đến thị trường".
"Đây rõ ràng không phải là trường hợp cá biệt", công tố viên này nói với SCMP.
Ở các nước châu Á, các hệ thống tăng view, tăng like như của Wang không quá xa lạ. Tại Việt Nam, chúng được gọi là PhoneFarm hoặc Click Farm. Người vận hành chúng cũng thừa nhận họ đang có hành vi gian lận trên mạng xã hội, nhưng chưa có luật cấm.
Tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 10/2023, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết thiết bị dạng này chưa thuộc diện cấm trong các quy định. Nếu muốn quản lý sẽ cần xây dựng quy chuẩn Việt Nam cho ngành hàng, thực hiện từng bước về góc độ quản lý lẫn kỹ thuật để kiểm soát, cấp phép.
"Chúng tôi nắm được các mạng xã hội cũng quan tâm vấn đề và có biện pháp kỹ thuật để hạn chế tương tác ảo qua các thiết bị này", Cục cho biết.
Theo một số chuyên gia, dịch vụ tăng lượt like liên tục bị các mạng xã hội như Facebook, Instagram siết vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, trong khi YouTube, TikTok cũng cấm sử dụng bot để tăng lượt xem và bình luận, hay gần đây là livestream. Dù vậy, vấn đề khó được xử lý triệt để do các chương trình phần mềm cũng liên tục được cập nhật để qua mặt máy quét.
Bảo Lâm
- 'Trang trại thao túng triệu view' trong mắt người nước ngoài
- Chủ PhoneFarm hé lộ sự thật về tương tác khủng trên mạng xã hội
- Cỗ máy 'kích like' gần một tỷ đồng
- Chi trăm triệu đồng mua PhoneFarm đào tiền số
- Cỗ máy gian lận triệu view trên TikTok, Facebook được tạo thế nào