PhoneFarm là thiết bị không xa lạ trong cộng đồng chuyên mua bán lượt tương tác trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok. Chúng được xây dựng dựa trên các bo mạch smartphone và gắn vào một mạch chủ. Mỗi box có tầm 20-22 bo mạch smartphone. Trên đây là một góc của căn phòng chứa PhoneFarm của Nguyễn Đức Hùng, sinh năm 1999 tại Uông Bí, dùng để chạy các dịch vụ tương tác trên mạng xã hội. Theo chủ nhân của hệ thống PhoneFarm này, anh nhận thức được việc vận hành cỗ máy là hành vi gian lận trên mạng xã hội. "Thực tế, tôi đang làm công việc mà các mạng xã hội không cho phép. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường đang nở rộ và chưa bị pháp luật cấm", anh nói. Người này cho biết đã xây dựng hệ thống PhoneFarm từ tháng 10/2022, mất 8 tháng để hoàn thành. Thay vì thuê dịch vụ hoặc mua sẵn box, anh mua linh kiện về tự lắp đặt và tự xây dựng phần mềm để kiểm soát chất lượng và tránh hỏng hóc về sau. Mỗi box PhoneFarm được trang bị 22 bo mạch của Samsung Galaxy S7, đã được tháo màn hình, pin, camera và cảm biến không cần thiết để tiết kiệm điện năng tiêu thụ khi vận hành. Các bo mạch gắn vào một mạch chủ thông qua dây USB-A to USB-C và một dây dẫn khác để kiểm soát màn hình. Chi phí mỗi box tự chế trung bình là 14 triệu đồng, thấp hơn giá vài chục triệu đồng nếu mua từ bên thứ ba. Tổng giá trị PhoneFarm là hơn 500 triệu đồng chưa tính máy chủ, máy tính điều khiển, hệ thống mạng và các vật tư khác. Toàn bộ được kiểm soát thông qua một máy tính chính với hai màn hình dùng để theo dõi các thông số khác nhau. Màn hình đầu tiên dùng để xem trạng thái của smartphone đang hoạt động, trong khi màn hình thứ hai kiểm tra kết nối và khắc phục sự cố nhanh. Trong khi đó, việc tản nhiệt thông qua máy lạnh và quạt bên trong phòng. Bên trong căn phòng 'câu view, câu like' trị giá một tỷ đồng Hệ thống sử dụng phần mềm tự phát triển với chi phí 250 triệu đồng, hoàn thành trong 7 tháng. Cộng với thiết bị và vật tư, chi phí cho toàn bộ căn phòng khoảng một tỷ đồng. Hệ thống PhoneFarm này đang phục vụ việc tăng lượt xem nội dung, lượt xem phát trực tiếp (livestream) cũng như lượt thích, bình luận và chạy các chiến dịch quảng cáo, seeding (tạo nội dung tranh luận) trên mạng xã hội. Anh cho biết, chi phí vận hành căn phòng này mỗi tháng vào khoảng 25 triệu đồng, chủ yếu là tiền điện và kết nối Internet. "Mỗi tháng thu nhập từ hệ thống PhoneFarm này khoảng 40-45 triệu đồng", anh Hùng tiết lộ. Các dịch vụ tăng lượt like nhiều lần bị các nền tảng như Facebook siết chặt vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, trong khi YouTube, TikTok cũng cấm sử dụng bot để tăng lượt xem và bình luận. Dù vậy, vấn đề vẫn tồn tại và chưa được xử lý triệt để do các chương trình phần mềm cũng liên tục được cập nhật để qua mặt máy quét. Nội dung được "kích like" bằng PhoneFarm có thể được nhận biết nếu tài khoản và post không có gì nổi bật nhưng lại được tương tác cao bất thường, hay một bình luận lặp lại bởi nhiều tài khoản khác nhau, khiến nội dung rác tràn lan. Ngoài ra, khi bấm vào các tài khoản này, hầu như không có nội dung nào được chia sẻ trên đó. Bảo Lâm Cỗ máy gian lận triệu view trên TikTok, Facebook được tạo thế nào Chiếc hộp gian lận triệu view, nghìn like trên Facebook, TikTok Chi trăm triệu đồng mua PhoneFarm đào tiền số