Là người tiêm đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, 28 tuổi, khoa Hồi sức tích cực người lớn, cho biết chị vẫn chưa hết xúc động khi được lựa chọn.
Sáng nay, đang trong thời gian đi học, chị xin nghỉ để đến bệnh viện từ sớm. Chồng chị, cũng là bác sĩ cùng bệnh viện, đưa vợ đi. Trên đường, hai vợ chồng kể cho nhau nghe về giấc mơ đặc biệt đêm qua của chị: người thân được tiêm vaccine, đại gia đình đi du lịch nước ngoài, không sợ hãi, dè chừng nCoV như trước.
"Đóng góp của tôi cho cuộc chiến Covid-19 thực sự rất nhỏ bé so với các đồng nghiệp. Xin cảm ơn các thầy cô, đồng nghiệp đã ưu ái, nhường tôi mũi tiêm hạnh phúc đầu tiên", bác sĩ Xuân xúc động nói.
Nữ bác sĩ cũng bày tỏ mong muốn người dân cả nước sớm được tiêm chủng vaccine trong năm nay.
Hộ lý Nguyễn Thị Thu Xương, 53 tuổi, làm việc tại khoa Nhiễm D 21 năm, bày tỏ chị hơi lo lắng về chất lượng vaccine. Hôm qua chị đọc bài báo về trường hợp tử vong sau tiêm vaccine AstraZeneca. Song với nền tảng sức khoẻ tốt, không có bệnh nền nghiêm trọng, kết quả khám sàng lọc không bất thường, chị Xương tin sẽ không gặp dị ứng hay sốc phản vệ sau tiêm.
Những ngày gần đây, khi chia sẻ với gia đình chuyện mình sẽ được tiêm vaccine Covid-19, người nhà còn trêu chị là người "hạnh phúc nhất" Việt Nam.
Còn bác sĩ Trần Thị Đông Viên, 50 tuổi, phó khoa Nhiễm D, chia sẻ chị khá bình tĩnh trước "giờ G". Chị xác định, do công việc đặc thù tiếp xúc trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 của mình có nguy cơ cao lây nhiễm, nên có thể chị sẽ tiêm chủng đầu tiên. Bác sĩ Viên cũng tích lũy kinh nghiệm qua những đợt tiêm phòng trường nên chị không quá lo lắng về các phản ứng phụ.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị Phạm Nguyệt Quyên, phụ trách phòng Công tác xã hội, tiết lộ cảm giác 'hơi đau và buốt' khi nhận vaccine. Nhưng cảm giác khó chịu qua rất nhanh. "Tôi không bị tâm lý, vì vaccine được Bộ Y tế cấp phép tiêm cho người dân, đảm bảo an toàn. Đôi khi có phản ứng phụ nhưng sẽ nhỏ so với lợi ích", chị cho hay.
Bác sĩ Đặng Hồng Hải, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, là một trong những nhân viên y tế đầu tiên được tiêm vaccine. Bác sĩ cho biết, được nằm trong nhóm đầu tiên tiêm "rất vinh dự và cần thiết". Cũng giống chị Quyên, anh không lo lắng trước khi tiêm chủng, do đã làm việc trong ngành truyền nhiễm và tham gia hệ thống tiêm chủng lâu năm.
Trước khi tiêm, các nhân viên y tế đều thoải mái, ăn uống đầy đủ và sinh hoạt bình thường. Khi bắt đầu, mọi người được đảm bảo giãn cách và phòng chống lây nhiễm như chia theo múi giờ, mỗi múi giờ chỉ tiêm 20 người. Nhân viên y tế trấn an, giảm căng thẳng cho người tham gia.
Theo bác sĩ Hải, việc tiêm chủng mang lại hiệu quả rõ rệt trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Vaccine đã an toàn hơn trong nhiều năm trở lại đây và sản phẩm của AstraZeneca được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào tiêm chủng.
"Bản thân tôi rất yên tâm và tin tưởng", anh Hải khẳng định.
Để được tiêm vaccine AstraZeneca, tất cả người được tiêm chủng đều phải vượt qua vòng khám sức khỏe sàng lọc, khai thác tiền sử dị ứng, phản vệ. Chỉ khi đáp ứng các tiêu chuẩn Bộ Y tế đã đề ra, và người tiêm đồng ý ký giấy đồng thuận, mũi tiêm mới được thực hiện. Sau tiêm, người tham gia được theo dõi sức khoẻ trong vòng 30 phút, nếu không có phản ứng phản vệ, dị ứng, sẽ được về nhà, tiếp tục theo dõi trong vài ngày tiếp theo.
Kể về trải nghiệm sau tiêm 30 phút, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý cho biết, họ không thấy đau nhiều ở vị trí tiêm, tình trạng sức khỏe bình thường, chưa thấy đau đầu, chóng mặt hay sốt. Kết thúc thời gian theo dõi, họ quay lại công việc thường nhật tại bệnh viện.
"Thuận lợi là làm việc trong cơ sở y tế, có vấn đề gì mình được xử trí ngay", bác sĩ Viên nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, chuyên gia cao cấp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch hội truyền nhiễm, một trong những người tiêm vaccine sáng 8/3 cho biết, theo thống kê, cán bộ y tế chiếm 10% ca Covid-19 trên thế giới. Việt Nam may mắn chưa có cán bộ y tế tử vong dù đã trải qua ba làn sóng, đây là thắng lợi rất lớn.
Theo bác sĩ Kính, vaccine AstraZeneca được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt và đã chứng minh hiệu quả. Tuy nhiên, bất cứ một thứ thuốc, vaccine hay sinh phẩm gì đưa vào cơ thể, đều dẫn đến những tác dụng phụ nhất định. Tác dụng phụ ghi nhận nhiều nhất với vaccine Covid-19 là đau ở chỗ tiêm, một số trường hợp áp xe nơi tiêm. Nặng nhất là sốc phản vệ. Do đó các cơ sở y tế tiêm chủng phải chuẩn bị đầy đủ nếu tình huống bất lợi xảy ra.
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhân viên y tế nữ được ưu tiên tiêm trước. 100 nhân viên y tế được tiêm lần này cũng chủ động chia thành nhiều nhóm nhỏ, tránh tụ tập đông người. Bên cạnh đó có lực lượng theo dõi diễn biến sau tiêm.
Mũi tiêm đầu tiên sẽ đạt hiệu quả miễn dịch 61-67%, hai mũi đầy đủ là 81% trở lên, theo nhà sản xuất. Thời gian bảo vệ khoảng 7 tháng, tuy nhiên còn tùy thuộc từng người và phải đo lượng kháng thể để đánh giá.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, xúc động chia sẻ, với 900 nhân viên y tế được ưu tiên tiêm chủng đợt này, đây là "niềm hạnh phúc và vinh dự lớn". Ông tin rằng, với hiệu quả của vaccine khi tiêm đầy đủ hai liều, nhân viên y tế sẽ được trang bị thêm một "hệ thống giáp sinh học", bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus. Lớp giáp này không chỉ phòng ngừa cho y bác sĩ, giúp họ đủ sức khỏe chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, mà còn đảm bảo không lây ngược cho bệnh nhân khác.
"Mũi tiêm cũng nhắc nhở chúng tôi phải làm tròn bổn phận và trọng trách của mình, là những chiến binh Covid-19 mạnh mẽ", bác sĩ Châu nói.
Thư Anh - Chi Lê