Trưa hè tháng 7 nắng như đổ lửa, người đàn ông bế con trai 3 tuổi xuất hiện tại một trung tâm phân tích ADN ở Hà Nội. Đứa bé trán dô, gầy gò, nhìn qua thì thấy không thừa hưởng được vẻ điển trai của người bố. "Người bố cao ráo, khuôn mặt nam tính nhưng đôi mắt đượm buồn", bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc trung tâm này nhớ lại câu chuyện xảy ra ba năm trước.
Đặt con xuống ghế, người đàn ông tên Lê Ngọc Khánh, quê Kim Bảng, Hà Nam nói với cán bộ xét nghiệm: "Tôi muốn dùng phương pháp hiện đại để xác định huyết thống hai cha con. Xin giúp tôi làm thật chính xác".
Điền xong tờ đơn, lấy xong mẫu máu, một lần nữa Khánh lại bảo: "Xin trung tâm làm thật chính xác hộ tôi".
Xong xuôi, nữ cán bộ xét nghiệm hẹn có kết quả sẽ gửi chuyển phát nhanh, chỉ sau một ngày sẽ nhận được nhưng người đàn ông vội xua tay: "Đừng, việc này rất quan trọng với tôi. Tôi sẽ đích thân đến lấy".
Lúc đó bà Nga cũng như nhân viên trong trung tâm vốn nghĩ có lẽ người đàn ông này nghi ngờ con không giống mình, nghi vợ ngoại tình nên đang nóng lòng tìm sự thật.
Hai ngày sau, Khánh đẩy cửa vào trung tâm, vội đến nỗi vừa vào đã hỏi kết quả, quên cả chào hỏi. Anh xé phong bì, lướt lên xuống tờ giấy xét nghiệm một hồi, rồi hỏi: "Xin thứ lỗi khi không phải. Liệu có phải cô thương đứa bé nên xét nghiệm cho nó là con của cháu không?".
Lần thứ 3 bị nói câu này, bà Nga hơi phật ý, nói một tràng: "Đứa bé đáng yêu thế ai chẳng thương, nhưng không phải vì thế mà lật ngược kết quả. Kết quả phân tích thế nào thì phải kết luận thế ấy. Dù cậu có đi các trung tâm khác thì cũng chỉ có một kết quả vậy thôi".
Không ngờ sau khi bà Nga nói vậy mắt cậu này sáng lên, vừa cười vừa lau nước mắt. Hóa ra, đằng sau kết quả ADN này là một câu chuyện dài.
Mẹ của Khánh là cô gái đẹp trong vùng, thời thiếu nữ có rất nhiều trai làng theo đuổi. Bà cũng từng có mối tình thoáng qua một người có ngoại hình tương xứng nhưng bà đã chọn kết hôn với một người đàn ông chỉ cao 1,58 m, vẻ ngoài hết sức bình thường. Bà ưng ông vì hiền lành, chịu khó và rất yêu bà. Người đàn ông đó chính là bố đẻ của Khánh.
Nhưng hạnh phúc của họ quá ngắn ngủi. Người chồng ghen tuông bởi dù đã kết hôn, vợ vẫn có người đeo bám, nhiều lời bán ra tán vào về vợ càng khiến ông bán tín bán nghi. Lại thêm mặc cảm ngoại hình khiến ông tự ti. Khi Khánh chào đời, thấy con chân dài, trắng trẻo, càng lớn càng không có nét nào giống mình, người bố trở nên lạnh nhạt với vợ. Mặc cho bà thanh minh bao nhiêu, ông không tin. Năm Khánh hơn 2 tuổi, ông đuổi vợ con ra khỏi nhà.
Quá uất ức, người phụ nữ qua đời khi con hơn 4 tuổi. Khánh sau đó sống nương nhờ nhà ngoại, cách chỗ bố hơn 40 cây số. Gia đình ngoại của Khánh cắt đứt hoàn toàn liên lạc với nhà nội, còn bố anh bị cả làng quay lưng. "Bố cậu ấy trở thành người cô độc nhất trong làng, sống một mình, tính cách càng ngày càng quái gở", bà Nga cho hay.
Lớn lên Khánh lấy vợ, sinh con, làm nghề lái taxi, còn vợ có cửa hàng in ấn tại nhà. Hè năm 2017, nghe tin bố ốm nặng, anh quyết định đưa vợ con về thăm. Trong thâm tâm Khánh những mong nhân dịp này hai cha con quên đi quá khứ.
Nhìn thấy con trai Khánh, từ cô bác tới hàng xóm đều thốt lên: "Giống ông nội như đúc", "Đúng là con cháu nhà này rồi". Chỉ riêng bố Khánh hững hờ: "Chắc gì nó đã là con mày".
Bị dội gáo nước lạnh, Khánh uất ức làm ầm lên. Người xung quanh chê trách bố Khánh, lắc đầu bỏ đi, còn ông nằm trên giường ho khụ khụ: "Nếu nó đúng là con mày thì tao lại hạnh phúc quá. Cùng một lúc tao lại nhận được cả con cả cháu", ông nói.
"Nhìn cảnh đó cháu thấy thương ông hơn là ghét. Ông đã sống cả đời trong hoài nghi. Cháu phải nhổ đi hoài nghi ấy để giải oan cho mẹ", Khánh tâm sự.
Vì con trai giống hệt ông nội nên Khánh đã đem con đi xét nghiệm. Ngay sau khi có kết quả, anh đi thẳng về nhà bố, đồng thời gọi vợ con bắt taxi sang. Chiều tối hôm ấy, cả nhà nội vây quanh tờ kết quả. Tận lúc này người đàn ông ngoài 60 mới tin đây là con cháu mình.
Theo bà Nga, quan niệm "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt. Không ít người hay dựa theo vẻ ngoài này để đánh giá một đứa trẻ sinh ra có giống với bố mẹ hay không và thường trẻ giống bố mới êm cửa ấm nhà. Tuy nhiên thực tế có không ít đứa trẻ sinh ra không có nét giống bố mẹ. "Khoảng 20% ca xác định huyết thống cha con mà tôi đã thực hiện trong các năm qua xuất phát từ lý do con không giống bố", bà Nga cho hay.
Mỗi người mang một bộ ADN duy nhất, kết hợp 50% gene từ mẹ và 50% gene từ bố. Vì thế thông thường trẻ sẽ mang trong mình những nét của cả bố và mẹ, xét cả về ngoại hình lẫn tính cách. Tuy nhiên những đặc tính này còn phụ thuộc vào điều kiện sinh tồn, nên sẽ có những trẻ không giống cha mẹ, họ hàng. Thậm chí, hai đứa trẻ có cấu trúc di truyền giống hệt nhau (sinh đôi cùng trứng) lớn lên trong những hoàn cảnh sống khác nhau thì có thể rất khác nhau về cả ngoại hình và tính cách.
Cuối năm ngoái, trung tâm bà Nga từng xét nghiệm huyết thống cha con để đi nước ngoài. Nhìn bề ngoài doanh nhân người Đức gốc Việt và đứa con trai 8 tuổi như đúc từ một khuôn. Test nhanh sau 4 giờ, kết quả họ không phải cha con. "Người đàn ông này rất sốc. Sau vài ngày nghĩ thông suốt, anh ấy vẫn yêu thương đứa bé nên làm thủ tục nhận con nuôi và vẫn đưa ra nước ngoài như kế hoạch", bà Nga kể.
Hay như vụ trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội. Năm 2015 bà Mai Hạnh ở phố Quán Thánh 2 lần bí mật làm xét nghiệm đều cho ra kết luận chị Tạ Thu Trang không phải con ruột bà. Khi vụ việc được đăng tải lên các phương tiện truyền thông, hồ sơ những đứa trẻ sinh năm đó cũng được lật lại. Chị Thu Trang giống như "hai giọt nước" với chị Đặng Thị Ngọ ở Đông Anh. Còn chị gái của Ngọ, chị Đặng Thị Dần - có ngày tháng năm sinh giống chị Trang - mang vẻ ngoài khác hoàn toàn bố mẹ, ông Đặng Văn Được.
Lần đó gia đình chị Trang và gia đình chị Dần, với rất nhiều nhà báo chờ trung tâm ADN. Ai cũng đinh ninh lần này là tìm được. Song, kết quả chị Trang không phải con ông Được và chị Dần cũng không phải con bà Hạnh. "Đúng là cuộc sống muôn màu. Trang và Ngọ giống nhau như đúc lại không phải chị em, Dần khác hoàn toàn cha mẹ lại chính là con đẻ", bà Nga nói.
Sau đó không lâu, câu chuyện trao nhầm 42 năm cuối cùng cũng có kết thúc có hậu. Người con ruột thực sự của bà Hạnh đã chủ động tìm về. Còn chị Trang cũng đã kết nối với gia đình cha mẹ ruột ở Đà Nẵng. Với những dữ liệu chuẩn xác, lần này họ không cần làm xét nghiệm nữa.
Riêng về câu chuyện của Lê Ngọc Khánh, hơn một tháng sau khi có kết quả, anh báo lại cuộc sống của mình đã hoàn toàn thay đổi. Bố anh từng quỳ xuống bàn thờ vợ cầu xin tha thứ. Người cha đầu hai thứ tóc xin lỗi con: "Bố hối hận rồi"...
Giờ Khánh đón bố về sống cùng vợ chồng anh. Ông quý đứa cháu nội như vàng.
Phan Dương