"Cuối cùng tôi cũng tìm được đường về nhà", chàng trai 25 tuổi Khúc Sư Tông nói khi vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Trường Thủy, thành phố Côn Minh và nhận hoa từ các tình nguyện viên, nước mắt lưng tròng. Chàng trai này bị bắt cóc 20 năm trước và mất tích với gia đình.
Khúc Sư Tông sinh năm 1995 tại một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam. Khi lên 5 tuổi, cậu bị bắt cóc đến thành phố Tuyển Châu, tỉnh Phúc Kiến và sống ở đó đến nay. Cha mẹ nuôi đặt tên cậu là Tạ Đức Hoa.
"Tôi thích ăn cay và thích những chiếc bánh bao do bà ngoại làm với một loại rau không rõ tên. Than đốt trong nhà những ngày lạnh được vo tròn như những chiếc bánh nằm gọn trong lòng bàn tay..." Trong ký ức của mình, Khúc còn nhớ mẹ bán hàng tạp hóa gần một sân chơi, nơi cậu có thể chơi bập bênh cả ngày. "Tuy nhiên những ký ức đó rất mơ hồ", Khúc nói.
Khi lớn lên, Khúc tìm đến đội tình nguyện viên "Văn phòng tìm người thân" tỉnh Vân Nam chia sẻ câu chuyện của mình, vì nhớ rằng nhà cậu ở đó. Những ký ức của Khúc là manh mối chính để các tình nguyện viên theo dõi và tìm kiếm.
Tuy nhiên, Khúc đã do dự trong 2 năm để quyết định có nên gửi mẫu máu cho đội tình nguyện hay không. Lý do cậu đưa ra là sợ bố mẹ nuôi tủi thân. "Dù sao ông bà cũng đã nuôi tôi khôn lớn trưởng thành. Tôi vừa muốn vừa không trong việc tìm kiếm nguồn gốc của mình", Khúc chia sẻ.
Hiểu được tâm lý của Khúc, đội tình nguyện viên thường xuyên liên lạc và chia sẻ những câu chuyện tìm kiếm thành công của trường hợp khác cho cậu. Thỉnh thoảng họ còn gửi video các cuộc đoàn tụ, khiến Khúc tin rằng mình đang làm đúng. Vào ngày 5/12/2018, Khúc đã gửi mẫu máu cho đội tìm kiếm.
Về phía bố mẹ đẻ của Khúc, từ khi con trai bị bắt cóc, suốt 20 năm họ không từ bỏ việc tìm kiếm. Nhiều lúc họ rơi vào ngõ cụt nhưng chưa bao giờ họ tuyệt vọng: "Vẫn còn tìm kiếm thì vẫn còn hy vọng", bà Mã, mẹ đẻ của Khúc nói.
Vào tháng 5/1995 khi Khúc đang chơi ở sân sau trong nhà thì bỗng mất điện. Khi đèn bật sáng cũng là lúc bà Mã không nhìn thấy con trai nữa. Gia đình cùng những người họ hàng, hàng xóm lập tức đứng canh tại các nhà ga, bến xe trong một tuần, không dám rời đi nửa bước. Tuy nhiên việc tìm kiếm không có kết quả.
Khi con trai mất tích hai tuần, bà Mã nhận được cuộc gọi, bên kia nói rằng nếu nhận lại con, bà phải trả 5.000 tệ tiền chuộc. Bà đã chuẩn bị tiền nhưng rồi không ai đến lấy, ba lần liên tiếp như vậy nên bà quyết định báo cảnh sát.
Ba năm đầu tiên con trai mất tích, bà Mã ngày càng nhận được ít manh mối từ cảnh sát. Từ năm thứ tư, bà không nhận thêm được bất kỳ tin tức nào. "Hoàn toàn tuyệt vọng, tôi không biết sẽ làm gì tiếp trong tương lai", bà nói.
Năm 2009, Bộ Công an Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở dữ liệu ADN quốc gia cho những gia đình có người bị bắt cóc. Bà Mã và chồng đã đến đăng ký. "Miễn là máu được thu thập và lưu trữ, một ngày nào đó tôi sẽ tìm được con", bà hy vọng. Suốt 11 năm qua, hai vợ chồng đã 5 lần gửi mẫu máu đến cảnh sát và các đội tình nguyện viên với hy vọng tìm được con trai.
Vào đầu tháng 6/2020, bà Mã nhận được thông tin tìm được con trai Khúc Sư Tông từ "Văn phòng tìm người thân" tỉnh Vân Nam. Trong những ngày chờ đợi, bà không thể chợp mắt. "Một, hai, ba, bốn" đêm nào bà cũng đếm như vậy chờ đến bình minh. Sợ con trai không nhận ra mình với mái tóc bạc, bà cũng nhuộm tóc lại thành màu đen.
Trong khi chờ đợi con tại sân bay, bà Mã không ngừng khóc và tỏ ra lo lắng "Sợ nhất là ôm con mà con lại không đáp trả lại". Kết thúc cuộc gặp gỡ, cái ôm của hai mẹ con sau 20 năm xa cách kéo dài gần 5 phút. "Con không có nhiều thay đổi, chỉ là mọi thứ đều to lên một chút", bà nói khi ngắm nhìn con.
Về phía Khúc Sư Tông, anh nói rằng sẽ ở lại nhà bố mẹ đẻ một thời gian để bù đắp tình cảm 20 năm qua. "Dù sao tôi vẫn còn bố mẹ nuôi đang đợi mình. Họ đã đối xử với tôi rất tốt", Khúc nói
Trước quyết định của con trai, bà Mã chia sẻ rằng bây giờ Khúc đã lớn và có thể quyết định tương lai "Tôi chỉ muốn biết con trai còn sống trước khi mình chết", bà nói. "Miễn là Khúc có cuộc sống tốt, con có thể quay lại gia đình nếu con muốn và không cần quay lại nếu con không muốn".
Vy Trang (Theo sohu)