Lập Quang Minh, 49 tuổi, thời gian gần đây nổi tiếng khắp đất nước tỷ dân, được gọi với biệt danh "Van Gogh Trung Quốc". Nhiều người đổ xô mua những bức tranh phong cảnh thơ mộng của anh. Dù có thể vẽ đến 30 bức tranh mỗi tháng, hiện Lập vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của khách.
![Lập Quang Minh vẽ tranh trong phòng thuê vỏn vẹn 15m2. Ảnh: Huanqiu.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2021/06/26/anh-1-2313-1624701642.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7MbUi1n8YHPcEwLKFgDZGw)
Lập Quang Minh vẽ tranh trong phòng thuê vỏn vẹn 15nm2. Ảnh: Huanqiu.
Lập Quang Minh làm nghề thu gom và phân loại phế liệu, bán cho một nhà máy tái chế tại địa phương. Hiện người đàn ông này đang sống một mình trong căn phòng vỏn vẹn 15m2, không nhà tắm, ngay cả nước sinh hoạt cũng là một thứ xa xỉ. Lập được mọi người gọi là "chàng họa sĩ trong căn phòng tồi tàn" sau khi những bức tranh được chia sẻ lên mạng xã hội.
Lớn lên trong một ngôi làng nghèo ở tỉnh An Huy, Lập thích vẽ từ nhỏ nhưng gia đình không có điều kiện. Anh bỏ học từ sớm, rong ruổi khắp các thành phố trong tỉnh kiếm tiền từ công việc chân tay.
Cuối những năm 90, Lập bắt đầu trở lại với hội họa bằng nghề vẽ chân dung ký họa cho những người đi bộ trên đường phố Quảng Châu. Vì thu nhập ít ỏi nên anh phải bỏ dở sau vài tháng. Sau khi kết hôn, Lập chuyển tới Chiết Giang làm công nhân thu gom phế liệu. Vợ và 4 con trai đều sống ở quê ngoại ở tỉnh Hồ Bắc. Người đàn ông này gửi hầu hết tiền kiếm được cho gia đình, chỉ giữ lại chút tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt.
Năm 2016, một người bạn nhờ Lập vẽ tranh. Dù trước đây chỉ vẽ phác họa nhưng Lập vẫn nhận lời. Từ lần tình cờ này, niềm yêu thích hội họa được nhen nhóm lại. Sau này nhớ lại, anh cho hay: "Có lẽ chính bức tranh "định mệnh" năm ấy đã thổi lên ngọn lửa đam mê trong tôi từ bé".
Vì công việc nhặt phế liệu vất vả, lại không có điều kiện kinh tế nên Lập Quang Minh tự học hội họa qua những quyển sách mỹ thuật sưu tầm được hoặc qua những video dạy vẽ trên Internet. Với những video của nước ngoài, dù không hiểu tiếng nhưng anh học được cách họ phối màu. "Tôi đã học được rất nhiều từ thời gian tự học đó", người đàn ông tự hào kể.
Lập tiết lộ, hiện tại mỗi khi nhận được yêu cầu vẽ tranh từ khách, anh là người quyết định sẽ vẽ gì. "Tôi thích những tác phẩm theo trường phái tự nhiên và trường phái ấn tượng của Pháp". Anh cũng không nhận lời tất cả những đơn đặt hàng, mà thường chọn khách hàng bằng cách đánh giá tin nhắn xem họ có phải người học thức cao hoặc thực sự yêu thích tác phẩm của ông hay không.
Theo Lập, nếu nhận vẽ quá nhiều sẽ không đảm bảo về mặt chất lượng.
![Một số tác phẩm của Lập được treo trong nhà chờ giao cho khách. Ảnh: huanqiu.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2021/06/26/anh-2-7518-1624701642.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UGx419m85HPs-4VNEy26cA)
Một số tác phẩm của Lập được treo trong nhà chờ giao cho khách. Ảnh: huanqiu.
Mỗi tháng, người đàn ông này kiếm được khoảng 5.000 tệ (gần 18 triệu đồng) từ nhặt phế liệu, trong khi tiền bán tranh là khoảng 7.000 tệ (gầm 25 triệu đồng). "Tôi vẽ vì nó là sở thích và cũng là vì tiền", Lập nói. "Ban đầu tôi vẽ vì tôi luôn thích vẽ tranh. Sau này tôi phát hiện nó có thể giúp mình kiếm tiền. Đến nay tôi đã vẽ được khoảng 400 bức".
Lập cũng luôn ấp ủ ước mơ được đi đây đi đó, chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên trữ tình để có cảm hứng sáng tác nhiều hơn. Tương lai anh muốn trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp và hy vọng một ngày nào đó có thể vẽ tranh không chỉ vì tiền mà bằng cả trái tim.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều người tỏ lòng mến mộ với "họa sĩ đồng nát" Lập Quang Minh. "Anh ấy là một người có tâm hồn phong phú, yêu cái đẹp", một người bình luận. Trong khi đó, người khác viết: "Nỗ lực của anh ấy tiếp thêm niềm tin để tôi hiện thực hóa ước mơ của mình".
Vy Trang (Theo SCMP)