Quốc Nguyễn, ở quận Santa Clara, nằm trong số 7 người nhập cư được thống đốc Gavin Newsom ban lệnh ân xá hôm 7/8. Ông Newsom cho biết lệnh ân xá có thể giúp người đàn ông gốc Việt tránh bị trục xuất về Việt Nam.
Quốc đến Mỹ định cư hợp pháp từ năm 10 tuổi và từng ngồi tù 7 năm với tội danh tấn công bằng vũ khí nguy hiểm vào năm 15 tuổi. Tuy nhiên, kể từ khi ra tù năm 2011, anh chưa hề bị bắt lại lần nào, có nhà cửa và công việc ổn định. Quốc đang nuôi mẹ già và hỗ trợ bạn gái hoàn thành khóa học y tá.
"Việc trục xuất là một hệ quả bất công, gây tổn hại cho gia đình và cộng đồng của cậu ấy ", văn phòng thống đốc California cho hay.
Theo luật pháp Mỹ, lệnh ân xá không tự động ngăn một người tránh bị trục xuất vì tiền án tiền sự của người này vẫn tồn tại. Tuy nhiên, lệnh ân xá nhấn mạnh sự hoàn lương của người đó sau khi phạm tội.
Ngoài Quốc Nguyễn, ông Newsom cũng ân xá cho 6 người khác từng bị truy tố khi mới 15 tuổi, hầu hết đều phạm các tội nhẹ liên quan đến ma túy.
Thống đốc California hồi tháng 5 từng ân xá cho hai người đàn ông gốc Campuchia đang đối diện lệnh trục xuất, sau khi người tiền nhiệm Jerry Brown cũng ân xá cho 5 người gốc Campuchia khác vào năm ngoái. Các lệnh ân xá của hai thống đốc đảng Dân chủ là một cách phản đối chiến dịch truy quét người nhập cư từng phạm tội của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo hiệp định được ký kết giữa Việt Nam với Mỹ vào năm 2008, những người Việt đến Mỹ trước khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào ngày 12/7/1995 sẽ không bị trục xuất. Tuy nhiên, chính quyền Trump được cho là đang muốn thay đổi hiệp định với Việt Nam để trục xuất hàng nghìn người gốc Việt phạm tội đến Mỹ trước năm 1995. Trong số này, có không ít người sinh sống ở Mỹ từ lúc còn nhỏ, thậm chí là mới chào đời, nên không có mối liên hệ gì với Việt Nam.
Cộng đồng người Việt tại Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối nỗ lực của Trump, lên án đây là một chính sách tàn nhẫn và bất công vì có thể khiến hàng nghìn gia đình tan vỡ.
Nhà Trắng khẳng định việc diễn giải lại hiệp định 2008 sẽ chỉ áp dụng với những người gốc Việt không có giấy tờ hoặc những người từng phạm tội và sẽ không áp dụng với những người đã trở thành công dân Mỹ.
Anh Ngọc (Theo AP)