Thứ ba, 18/2/2025
Thứ bảy, 5/8/2023, 07:40 (GMT+7)

Người dân lập chốt chặn xe chở rác ở miền Tây

Bến TreHàng trăm hộ dân tại hai xã An Đức, An Hiệp (Ba Tri) lập chốt cử người trực xuyên đêm chặn xe chở rác vào nhà máy gây ô nhiễm hơn nửa tháng nay.

Nhà máy rác thuộc xã An Hiệp rộng khoảng 5 ha, nằm gần khu vực ao nuôi tôm của người dân và sông Hàm Luông hoạt động 10 năm trước, tiếp nhận 30-40 tấn rác mỗi ngày. Bên trong, các máy xúc đang gia cố bờ bao của ao chứa nước thải. Chỉ một phần rác được phủ bạt che chắn bên trên, phần còn lại lộ thiên.

Gần hai năm nay, do nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) bị đóng cửa vì không đảm bảo, bãi này nhận thêm rác từ TP Bến Tre và Châu Thành, mỗi ngày 120-150 tấn. Lượng rác lớn quá tải nhưng hệ thống xử lý nước rỉ tại bãi chưa hoàn thiện cộng mùi hôi đã ảnh hưởng đời sống hơn 100 hộ dân hai xã An Hiệp và An Đức.

Hai máy đang bơm rút nước từ ao chứa nước thải. Ghi nhận chiều và đêm 1/8, nước thải từ ao gom sẽ theo đường ống chảy tràn sát chân tường bên trong nhà máy và thoát ra bên ngoài qua các điểm hở xuống một con mương dài khoảng 100 m.

Dòng nước đen rỉ từ bãi rác nổi bọt trắng và bốc mùi hôi thối. Nước từ mương sẽ chảy ra rạch và đổ ra sông Hàm Luông.

Khoảng 19h30 ngày 1/8, hàng chục người dân tập hợp tại khu vực tường bao nhà máy do phát hiện nhiều vị trí nước rỉ chảy mạnh, đồng thời gọi điện báo chính quyền địa phương. Sau đó, công an viên (đội mũ bảo hiểm màu vàng) cùng dân phòng xã An Hiệp đến khu vực nhà máy soi đèn pin kiểm tra và quay video ghi nhận các điểm rò rỉ nước.

Cách đó khoảng 500 m, chốt canh chặn xe chở rác vào nhà máy tại ấp 9, An Đức đã sáng đèn, khoảng 30 người dân có mặt. Tại chốt được trang bị bàn, ghế, võng cùng một rạp tiền chế che mưa nắng. Bên ngoài chốt, người dân treo nhiều băng rôn có nội dung "Quyết tâm chặn xe chở rác", "Bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân".

Chốt được dựng, các xe rác cũng không còn đổ về nhà máy suốt nửa tháng nay.

Hàng chục phụ nữ mang theo con cháu đến chốt trực pha trà, nấu nước, mì. Đến khuya họ sẽ trở về nhà nghỉ ngơi và trở lại vào sáng hôm sau để đổi ca cho nhóm đàn ông.

Giữa đêm, tại chốt chỉ còn 4-5 thanh niên mang theo chăn, mắc võng ngủ trực chốt. Đến 5h, nhóm này sẽ trở về nhà.

"Ngày thường nằm võng ngủ đến sáng, nhưng có hôm muỗi nhiều phải đốt nhang mới ngủ được", anh Bùi Vũ Hoài, 34 tuổi nói.

Hơn 7h, chị Trương Thị Dứa (49 tuổi, ấp 6, An Hiệp) đã dùng hết 3 tấm keo dính ruồi. Nhà cách bãi rác khoảng 300 m, chị Dứa cho biết nhiều năm nay mỗi lần đến bữa ăn vợ chồng mỗi người xúc một tô, không dọn ra bàn ăn chung được vì ruồi bâu.

"Mỗi ngày tốn khoảng 10 miếng keo dính ruồi nhưng tình hình vẫn không thuyên giảm", chị Dứa lắc đầu nói.

Cách nhà máy rác 100 m, căn nhà của anh Huỳnh Văn Khánh (39 tuổi, An Hiệp) bỏ hoang hơn một năm nay. Anh Khánh cho biết do nhà có trẻ nhỏ, lo ngại mùi hôi từ bãi rác ảnh hưởng sức khỏe, nên phải bỏ căn nhà cũ, đến ở nhờ nhà cha mẹ vợ cách đó 5 km.

Nhiều hộ dân nuôi tôm gần khu vực cho biết, một ao tôm 1.000 m2 chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Do lo ngại nước rỉ từ bãi rác ảnh hưởng, phần lớn các ao hiện đều bỏ không.

Cách đó 40 km, nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) bị đóng cửa vì không đảm bảo; hơn nửa tháng nay phải làm nơi tập kết rác tạm do lượng rác quá tải.

Tại buổi đối thoại với người dân hôm 17/7, đại diện UBND tỉnh Bến Tre đã nhận trách nhiệm vì thiếu sâu sát để ô nhiễm bãi rác ảnh hưởng người dân. UBND tỉnh cam kết trong vòng một tháng sẽ trải bạt phủ, phun xịt hóa chất thường xuyên khắc phục mùi hôi, ngăn bạt không cho nước rỉ ra khu vực ngoài bãi rác. Tuy nhiên, người dân cho biết nguyện vọng của họ hiện nay là sớm di dời bãi rác đi nơi khác để trả lại cuộc sống ổn định.

Hoàng Nam