Thứ ba, 30/4/2024
Thứ bảy, 29/7/2023, 09:00 (GMT+7)

Sống chung với ô nhiễm ở bãi rác lớn nhất TP HCM

Ô nhiễm không khí từ bãi rác gần 700 ha ở Củ Chi phát tán ra bán kính 10 km, nước thải ngấm lòng đất khiến hàng nghìn người dân khổ sở.

Núi rác bên cạnh lò đốt toả khói mù mịt của một công ty nằm trong khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Mùi hôi tại bãi rác gây ô nhiễm không khí hơn 10 km theo đường chim bay khiến hàng nghìn hộ dân tại 7 xã và thị trấn của huyện Củ Chi bị ảnh hưởng.

Đây là bãi rác lớn nhất TP HCM, rộng 687 ha, rộng hơn cả khu xử lý rác Đa Phước (613 ha ở huyện Bình Chánh), mỗi ngày tiếp nhận hơn 3.000 tấn rác. Bên trong có hai công ty xử lý rác bằng cách chôn lấp và đốt, tái chế phân bón. Công nghệ xử lý rác lạc hậu này đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Sáng 26/7, 4 xe cẩu múc rác từ xe tải, chất lên núi rác cao hơn 20 m. Khu này còn có hai núi rác, rộng hàng chục ha.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết theo thiết kế khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc phải có dự án trồng cây xanh để cách ly xung quanh, tách biệt khu dân cư, ngăn nước thải ngấm xuống lòng đất, tăng quang hợp, giảm mùi hôi. Tuy nhiên, 17 năm nay qua việc này vẫn chưa thể thực hiện do thiếu vốn, vướng thủ tục.

Những rào chắn giảm mùi hôi bị ngả nghiêng, lưới rách, bên cạnh mương nước đen ngòm, bốc mùi hôi rỉ ra từ núi rác chôn lấp phía sau.

Cách nhà máy xử lý rác khoảng 100 m, nước thải chảy ra khiến kênh 17 đổi màu nâu đen, nổi váng dầu. Lớp cặn màu trắng đục bám dưới đáy, cành cây.

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho hay, 400 hộ dân gần bãi rác không thể làm nông nghiệp do nước ô nhiễm ngấm xuống lòng đất dù trước đây trồng lúa đến 2-3 vụ trong năm. Nhiều khu vực lân cận, người dân phải bỏ hoang đất đai hoặc chỉ trồng được duy nhất cây tràm.

Sống trong ngôi nhà cấp bốn cách nhà máy xử lý rác khoảng 400 m, bà Lê Thị Trớn, 75 tuổi, ở xã Thái Mỹ bất lực trước vũng nước ngập cạnh nhà bốc mùi hôi thối hơn một tuần qua. Nơi bà đứng từng là ruộng lúa nhưng hơn chục năm trở lại đây không thể trồng trọt, bỏ hoang để cây mọc dại do ô nhiễm.

Bà cho biết, khu vực bà ở là vùng trũng thấp nước bị phèn nhưng vẫn có thể rải vôi để trồng lúa hoặc trái thơm. Nhưng sau khi nhà máy rác hoạt động thì khó canh tác. "Trồng lúa cây có trổ bông nhưng cây yếu, hạt lép, còn cây ăn trái thì chết dần", bà Trớn nói.

Nước ô nhiễm ngấm xuống lòng đất ảnh hưởng mạch nước ngầm làm giếng đã bị phèn, còn có mùi hôi. Gia đình bà Trớ chế bồn nhựa 100 lít để lọc nước rửa chén, tắm giặt. Còn nước uống, nấu ăn, gia đình phải mua hoặc lấy từ bồn chứa 5.000 lít do địa phương đầu tư đặt ở nhà một hộ gần đó.

Trong bồn nhựa được gia đình bà Trớn đổ thêm 4 lớp đá, lưới, cát và than để lọc bớt phèn, mùi hôi.

Một số hộ trong bán kính khoảng 500 m cách nhà máy xử lý rác bị giải toả hoặc tự rời đi bỏ lại nhà hoang giữa cây dại um tùm, cành cây chết khô.

Cách bãi rác 4 km, anh Nam, 31 tuổi, giăng thêm lưới hai bên hiên nhà để hạn chế gió lùa mang theo mùi hôi thối vào mùa mưa. Tuy nhiên, vào mỗi ngày nắng sau đó có mưa vào buổi chiều, mùi vẫn nồng nặc khiến gia đình phải đóng cửa ở trong nhà hoặc xức dầu gió vào mũi cho bớt mùi. "Mùi hôi kéo dài nhiều năm qua giờ gia đình tôi cũng đành bất lực", anh Nam nói.

Người phụ nữ chở hai con mang khẩu trang kín mít để tránh hít mùi hôi từ nhà máy xử lý rác phía sau. Bãi đất bên đường từng được người dân chia luống trồng tràm nay khô cằn, chỉ còn cỏ dại.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết để hạn chế ô nhiễm không khí, thành phố cần sớm triển khai trồng cây ở diện tích 196 ha quanh bãi rác. Trước mắt, huyện yêu cầu Ban quản lý khu liên hợp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty xử lý rác cùng lúc cung cấp nước sạch cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Vị trí khu xử lý rác. Đồ họa: Khánh Hoàng

Đình Văn