Trưa 24/7, khu vực ngã ba vào bãi rác xã An Hiệp vẫn còn hàng chục người dân túc trực không cho xe chở rác vào. Họ treo băng rôn "quyết ngăn chặn xe rác", "bảo vệ sức khỏe người dân là mục tiêu hàng đầu"... Rạp được dựng lên gần đó làm chỗ người dân phản đối che mưa, nắng cùng giường, võng canh gác.
"Người nào mệt sẽ về nghỉ, người khác tới thay. Ban đêm chúng tôi cử người ngủ luôn tại chốt đề phòng xe rác vào", anh Trần Văn Phú (41 tuổi, xã An Đức) nói.
Bãi rác thuộc xã An Hiệp rộng khoảng 5 ha, hình thành hơn 10 năm trước, tiếp nhận 30-40 tấn rác mỗi ngày. Gần hai năm nay, do nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) bị tạm đóng cửa vì không đảm bảo, bãi này nhận thêm rác từ TP Bến Tre và Châu Thành, mỗi ngày 120-150 tấn.
Lượng rác lớn quá tải, cộng với hệ thống tường rào, gia cố chống thấm nước, nước rỉ tại bãi chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng đời sống người dân hai xã với bán kính khoảng 1.000 m.
Mùa mưa, mùi hôi thối từ bãi rác bốc lên, người dân ở gần đó phải thường xuyên sống chung với cảnh ruồi nhặng. Trước đây, vào mùa nước chưa bị nhiễm mặn, người dân vẫn múc nước sông cho gia súc uống, song gần đây tình trạng nước từ bãi rác rỉ ra xung quanh nên không ai dám sử dụng.
Lo ngại ô nhiễm, nhiều người dân nuôi tôm đã bỏ ao. Các hộ dân gần bãi rác đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Giữa tháng 7, người dân tiến hành chặn xe, yêu cầu di dời bãi rác đi nơi khác để đời sống họ được ổn định.
Chính quyền địa phương sau đó phải cho các xe rác đổ tạm nơi khác, đồng thời vận động người dân nhưng bất thành.
Chiều 23/7, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp. Theo ông Cảnh, do bãi rác An Hiệp là nơi duy nhất tiếp nhận rác của tỉnh, từ khi người dân chặn xe vào, lượng rác thải ở địa phương đang tồn đọng rất lớn.
Trước mắt tỉnh giao đơn vị liên quan phủ bạt các ô đã chôn lấp đầy rác để hạn chế nước rỉ, hôi thối ảnh hưởng môi trường xung quanh. Bãi rác dự kiến được mở rộng thêm ba ha, đồng thời nâng cấp nhà máy xử lý rác của tỉnh công suất 320-350 tấn một ngày, cuối năm 2025 sẽ đi vào hoạt động.
Hoàng Nam