Tôi nhớ mãi ký ức tuổi thơ khi sống trong khu tập thể của một bệnh viện huyện,. trong những năm cuối cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày đó báo chí khan hiếm, cơ quan mẹ tôi thường có 15 phút đầu giờ đọc báo, điểm tin. Còn những người dân thường và lũ trẻ chúng tôi thì hóng cái loa phát thanh ở đầu khu tập thể.
Với chúng tôi, từ trong cái khối sắt vô hồn vọng ra được những tiếng nói mang theo bao nhiêu tin tức làm người lớn xôn xao, bàn tán là điều thật kỳ diệu.
Lũ trẻ con sau chúng tôi một chút đã không còn để ý nhiều đến loa phát thanh nữa, vì chúng đã có đài, có tivi để nghe, để xem và để cập nhật tin tức sinh động.
>> Hà Nội hãy để loa phường kết thúc sứ mệnh
Thi thoảng về các vùng nông thôn, vẫn thấy có loa thông báo về mùa vụ, về những sự kiện, sự cố cần thông tin đến từng người dân. Nhưng ngay cả chuyện đó cũng đã xưa lắm rồi, nhất là khi mạng xã hội trở nên phổ biến, có quá nhiều kênh để truyền thông và cũng quá nhiều dịch vụ cho người dân lựa chọn nếu muốn tiếp cận thông tin.
Thế nên tôi đã rất ngạc nhiên khi gần đây rộ lên cái tin loa phường tái xuất. Chắc hẳn khi đưa ra quyết sách này, các cơ quan chức năng đã có đầy đủ các luận điểm, luận cứ cả về phương diện chính trị và phương diện pháp lý để bảo vệ chủ trương đó. Tuy nhiên, từ góc nhìn của mình, tôi xin đưa ra một số ý kiến như sau:
- Hiện nay chúng ta nói nhiều về việc xây dựng mô hình Chính quyền phục vụ, theo đó, người dân sẽ là "khách hàng", và Chính quyền, với chức năng cung ứng dịch vụ công sẽ phải đáp ứng nhu cầu và đem lại sự hài lòng cho người dân. Do đó, nếu một dịch vụ xuất hiện nhưng không xuất phát từ nhu cầu của đại đa số người dân sẽ cần phải cân nhắc.
- Các quyết sách cũng cần phải được tính toán đến hiệu quả của nó khi đưa vào thực tiễn. Hiệu quả được đánh giá trên hai phương diện: Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.
Đối với hiệu quả kinh tế sẽ liên quan đến nguồn vốn đầu tư ở mức tối thiểu nhưng cho kết quả tối ưu nhất. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang hạn hẹp, việc dành một nguồn nhân sách cố định cho truyền thông một chiều, thiếu tương tác, không tạo ra được nguồn lợi phái sinh có thể được coi là thiếu hiệu quả.
>> Ô nhiễm tiếng ồn từ loa phát thanh
Đối với hiệu quả xã hội, việc tổ chức truyền thông qua hệ thống loa phường có tác động đến người dân không? Có đem lại sự thay đổi về nhận thức, ý thức và hành vi của người dân không? Có tạo nên những giá trị xã hội tích cực không? Nếu không đạt được điều đó cũng bị coi là kém hiệu quả xã hội.
- Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ số ô nhiễm tiếng ồn khá cao. Một bài viết nêu vấn đề rằng "đối với khu vực thông thường, chẳng hạn khu chung cư, nhà ở trong hẻm, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính... thì từ 6 đến 21h là 70dB, từ 21h đến 6h sáng là 55dB. Thế nhưng trên thực tế, chúng ta phải sống chung với tiếng ồn quá định mức cho phép một cách thường xuyên".
Do đó, giảm thiểu tiếng ồn đã trở thành một mục tiêu ưu tiên ngay cả đối với các doanh nghiệp, ví như tại các sân bay hiện đã không còn phát loa thông báo, nhắc nhở hành khách về các chuyến bay, trừ trường hợp đặc biệt.
Phân tích tác động của chính sách pháp luật phải tính đến hiệu ứng của các bên liên quan là nguyên tắc trong quản lý và thực thi công vụ.
TS Nguyễn Thị Hường
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.