Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn. Tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức xấu theo thang đo của Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Còn ở TP HCM, chất lượng không khí ở mức kém đến trung bình.
Theo chị Linh, những người khỏe mạnh nhất trong gia đình chị cũng cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Họ đeo hai lớp khẩu trang mỗi khi ra đường, song vẫn bị viêm mũi họng.
"Sau mỗi chuyến đi ngoài đường, quần áo khét lẹt mùi khói bụi, khoang mũi, hai tai, mặt dính đầy bụi bẩn", chị Linh nói.
Để tăng phòng bệnh, nệm, ga trải giường, gối, chăn màn thường xuyên được chị làm sạch bằng máy hút. Họ chuyển nhà từ nội đô ra ngoại thành để tránh bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí.
Còn một người bạn của gia đình chị Linh đã chuyển về quê ở Lạng Sơn sinh sống và làm việc, do bệnh viêm xoang dai dẳng không khỏi. Qua điện thoại, người bạn cho biết cảm thấy "nhẹ người" vì ở quê không khí trong lành, dễ chịu.
Tại TP HCM, vợ chồng chị Phan Hân (38 tuổi, TP Thủ Đức) áp dụng đủ loại biện pháp giữ không khí trong lành. Ở nhà, chị đóng cửa sổ, máy lọc không khí hoạt động 24/24. Mọi đồ dùng trong nhà như bát đĩa, nệm, ga trải giường, gối ngủ... đều được chị giặt, lau rửa sạch mỗi tuần.
Khi ra ngoài đường, họ ưu tiên sử dụng ôtô hoặc phương tiện công cộng. Chị Hân dặn kỹ con chơi ở trong lớp, không chơi ngoài trời. Tuy nhiên, bé hiếu động, vẫn đùa nghịch cùng các bạn và quên lời mẹ dặn.
Chị giải thích các thành viên trong gia đình lần lượt ốm, bệnh kể từ khi môi trường xung quanh nhà phủ đầy bụi do các công trình xây, sửa nhà ở. Con gái lớn 8 tuổi bị viêm mũi họng cấp ba lần, sốt hơn 38 độ C, phải khám ở hai bệnh viện để điều trị.
Vợ chồng chị cũng bị ho, sổ mũi, đau đầu, nhức mỏi người 2-3 lần trong tháng. Các triệu chứng chỉ biến mất vài ba ngày sau đó xuất hiện và lặp lại.
Ba người thay nhau ốm khiến thu nhập giảm, đồng thời tăng chi phí khám bệnh, chụp chiếu, thuốc uống gần cả tháng lương nhân viên văn phòng của chị. Mặt khác, nếu con gái mắc bệnh, vợ chồng phải thay phiên nhau nghỉ làm chăm con, trong khi Tết Nguyên đán cận kề, nhiều công việc cần giải quyết.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM không bất thường, tăng lên trong 10 năm trở lại đây. Tại Hà Nội, ô nhiễm không khí bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, với hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6-8h và 17-19h. Còn tại khu vực nông thôn, theo báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia 2023, ô nhiễm không khí ở miền Bắc thường cao hơn so với miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Tại Hà Nội, nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí đã được xác định, gồm: phương tiện giao thông đường bộ (bao gồm bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Trong đó, nguồn phát thải lớn nhất là hoạt động giao thông, tiếp đến là sản xuất công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp.
Nhiều năm qua, Hà Nội đã có kế hoạch nâng cao, cải thiện chất lượng không khí, như xóa bỏ 99% bếp than tổ ong, giảm 80% rơm rạ đốt ngoại thành, xóa bỏ lò gạch thủ công. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn hiện hữu.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí đô thị, Chính phủ đang xây dựng đề án xử lý. Hồi tháng 9-11/2024, các bộ, ngành đã có một số giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, như Bộ Giao thông Vận tải dự thảo quy định về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.
Trong thời gian chờ đợi các biện pháp kiểm soát ô nhiễm có hiệu quả, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo người dân thực hiện nhiều biện pháp để tự bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh không khí ô nhiễm. Mọi người nên đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh nhà cửa và môi trường sống. Gia đình hạn chế sử dụng hoặc thay thế bếp than tổ ong, bếp củi, nên dùng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.
Gia đình hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào khi thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí. Mọi người vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Nhóm người già, trẻ em, thai phụ... tăng theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Tiêm vaccine cũng là một biện pháp tăng cường sức khỏe hiệu quả cho trẻ em và người lớn. Các mũi tiêm giảm tình trạng mắc bệnh, giảm mức độ bệnh nếu nhiễm. Các loại vaccine phòng viêm phổi, tăng cường đề kháng hô hấp được bác sĩ Chính khuyến cáo gồm cúm, phế cầu, sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu, não mô cầu, 6 trong 1 (chỉ dành cho trẻ em).
Trong đó, vaccine cúm tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, nhắc lại hàng năm. Mũi vaccine ngừa phế cầu có 3 loại phòng 10 chủng, 13 chủng và 23 chủng phế cầu, lịch tiêm tùy theo độ tuổi. Vaccine 6 trong 1 ngừa 6 bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (Hib) gây ra. Lịch tiêm 4 mũi, hoàn thành trước hai tuổi, có thể tiêm sớm từ 6 tuần tuổi.
Tuần trước, gia đình chị Linh đã tiêm vaccine cúm và một vài vaccine phòng viêm phổi khác. Theo chị Linh, vaccine không thể ngăn ngừa hoàn toàn tác động của ô nhiễm không khí, song có thể giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp, giảm chi phí điều trị do bệnh không trở nặng.
Còn chị Hân bổ sung một vài chai nước muối sinh lý để súc họng, rửa mũi. Thực đơn hàng ngày bổ sung nước cam, yêu cầu uống đủ hai lít nước một ngày.
"Vấn đề căn cơ là cần cải thiện tình trạng không khí ô nhiễm nhưng chắc cần thời gian dài", chị nói.
Diệu Thuần