Lúc 20h ngày 7/9, Thu Hằng, phụ trách hành chính công ty xuất nhập khẩu thực phẩm đông lạnh ở quận Đống Đa, than thở với cảnh sát khu vực "Phường vẫn chưa hồi âm có cấp giấy đi đường cho bên em hay không". Cô bỏ cả trận bóng đá, bám lấy tia hy vọng cuối cùng. Nhưng chỉ dăm phút sau, cô thấy tin Hà Nội cho sử dụng giấy đi đường mẫu cũ đồng loạt trên trang nhất nhiều tờ báo. Cảnh sát khu vực cùng lúc gửi thông tin. Gánh nặng xin cấp giấy đi đường suốt 4 ngày tạm đặt xuống.
Theo thông báo của Hà Nội, thành phố sử dụng cùng lúc hai mẫu mới (có mã QR) và giấy cũ từ sáng nay (8/9). Dựa vào hiệu quả thực tiễn, việc này sẽ được điều chỉnh, rồi nhập hai loại giấy thành một. Thành phố chỉ phạt người ra đường không nằm trong nhóm Chỉ thị 16 cho phép.
"Sau những ngày đổ xô lên phường, gọi điện cho công an khu vực hỏi xin cấp giấy mới, loanh quanh một hồi lại về như cũ", cô gái 27 tuổi lắc đầu. Nhưng cô vẫn mừng, vì sẽ được ngủ ngon giấc, nghỉ ngơi sau chuỗi ngày gọi điện, gửi email, bổ sung giấy tờ, đợi chờ thông báo.
Công ty Hằng chuyên phân phối thực phẩm đông lạnh về nhà hàng, bếp ăn trong các khu công nghiệp. Cô đã lọc danh sách, chọn ra 7 người "không thể thiếu", trong đó có bảo vệ để trông coi cơ sở vật chất, nhân viên kinh doanh để làm giấy tờ cho hàng hóa xuất, nhập kho. Hành trình xin cấp 7 tờ giấy đi đường của cô diễn ra suốt 4 ngày, sau thông báo của chính quyền hôm 3/9.
Đọc các hướng dẫn thay đổi liên tục, cô không chắc công ty mình ở nhóm 2 hay nhóm 6. Gọi điện vào hotline, công an hướng dẫn xin giấy bên Sở Công Thương Hà Nội. Hỏi ngành công thương, cô được báo chờ. Không biết bên nào sẽ cấp giấy, Hằng chuẩn bị luôn hai bộ hồ sơ, gửi cả công thương lẫn công an.
Luồng mail gửi cho ngành công thương Hà Nội ngày 5/9, Hằng cho biết không nhận được bất cứ phản hồi nào suốt ba ngày qua. Ở "cửa" còn lại, cô liên tục bổ sung khoảng bảy loại giấy tờ, ba lần gửi email cho công an lẫn ủy ban phường nơi công ty đặt trụ sở. Dăm ba phút, cô lại mở điện thoại kiểm tra email, nhóm chat, không dám bỏ lỡ thông báo nào.
Sáng 6/9, cô nhận được email của phường từ chối, nói không phải trường hợp cấp thiết. "Thực phẩm mà không thiết yếu thì cái gì mới thiết yếu đây?", Hằng nhớ lúc ấy "khá bất ngờ và ức chế" khi bỏ cả kỳ nghỉ lễ lo giấy tờ, cuối cùng công cốc.
Cô nghĩ đến những lô hàng thực phẩm đông lạnh sắp về cảng. Nếu không đến công ty, không khai thủ tục thì không thể không quan. Hàng nằm dưới cảng sẽ phải chịu phí lưu kho, và không đơn vị nào chấp nhận lý do giải trình "không được ra đường" để bớt chi phí.
Nhưng sau hướng dẫn chi tiết các trường hợp được cấp giấy của công an thành phố, sáng 7/9, cô nhận điện thoại của cảnh sát khu vực, nói gửi lại hồ sơ một lần nữa để rà soát. Hằng tiếp tục đợi đến cuối ngày chờ xét duyệt, không dám giục vì biết "họ cũng đang quá tải".
Cho đến tối hôm qua, những thay đổi về giấy đi đường là điều Hằng không ngờ tới. Trong vòng 45 ngày, cô đã hai lần đôn đáo chuẩn bị hồ sơ, thậm chí lên phường xếp hàng, vài lượt bổ sung giấy tờ, để rồi phút chót lại chính sách thay đổi.
Chung tâm trạng, anh Bá Trình, phụ trách hành chính một công ty cho thuê căn hộ tại quận Cầu Giấy, đã phải lên các website chính thống của Hà Nội để xác thực thông tin được dùng giấy đi đường mẫu cũ. Anh còn dò tìm thêm văn bản hướng dẫn cụ thể ra sao. "Ngày mai ra đường vẫn lo khi gặp chốt, nhưng thế này cũng mừng quá rồi. Hoan nghênh tinh thần cầu thị của thành phố", anh nói, nhưng vẫn băn khoăn liệu có thêm hướng dẫn gì với mẫu giấy cũ không.
Công ty anh Trình chuyên cho thuê căn hộ chung cư, gần 1.000 khách hàng tại hàng chục tòa nhà trong nội thành - nơi được phân loại "vùng đỏ". Chiều 6/9, anh gọi điện đến công an phường hỏi về quy trình làm giấy đi đường cho 2 thợ bảo trì và 2 nhân viên vệ sinh. Thợ bảo trì có nhiệm vụ trực kỹ thuật các tòa nhà, kịp thời xử lý sự cố thang máy, hỏng hóc điện nước cho người thuê. Song cảnh sát khu vực từ chối cấp giấy đi đường vì "không thuộc diện cấp thiết".
Anh nghe không thuyết phục, nhưng hết cách. Hai nhân viên bảo trì đành đi một lượt kiểm tra điện nước, thang máy các tòa nhà trước khi thành phố siết giấy đi đường. Họ kịp phát hiện bình nóng lạnh trong một căn hộ cho thuê có vấn đề, nếu không sửa sớm có thể rò rỉ điện dẫn đến cháy nổ. Anh Trình đành thông báo cho khách thuê gặp sự cố gì gọi vào đường dây nóng, nhân viên sẽ hướng dẫn khắc phục qua điện thoại.
"Tôi nghĩ công việc thì vẫn phải đi, chứ không ai muốn ra đường những ngày này, khi mà bất cứ người nào mình tiếp xúc cũng có thể là F0", anh nói.
Cho rằng quy định sẽ luôn phải điều chỉnh phù hợp với tình hình chống dịch, song anh Trình mong muốn các cấp ngành "nghiên cứu kỹ hơn" trước khi ban hành, đặc biệt, đánh giá tác động thế nào đến đời sống người dân, nhất là hoạt động của doanh nghiệp.
Thu Hằng lại mong muốn các hướng dẫn nên rõ ràng, đừng chung chung khiến mỗi nơi hiểu một kiểu. Các cấp phải tính đến ngành nghề liên quan nhau, và đều thiếu yếu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh. Việc cấp giấy đi đường nếu vẫn phải thực hiện cũng nên đơn giản hơn, áp dụng trực tuyến.
"Tối qua, khi tôi chúc mừng cảnh sát khu vực sẽ được về nghỉ ngơi sớm, anh lắc đầu, nói vẫn sẽ ở lại phường để giải quyết nốt hồ sơ đã tiếp nhận", cô kể.
Đây là lần thứ 5 trong vòng 46 ngày cách ly xã hội chống dịch, Hà Nội thay đổi phương thức cấp giấy đi đường, cũng là lần thứ hai phải điều chỉnh quy định chỉ sau vài ngày ban hành.
Hôm 29/7, chính quyền lần đầu ban hành mẫu giấy đi lại, sử dụng thống nhất toàn thành phố cho người lao động, doanh nghiệp được phép ra đường.Tối 8/8, thành phố ra thông báo điều chỉnh quy định cấp giấy, yêu cầu người đi đường ngoài xác nhận của ủy ban phường và cơ quan, cần thêm lịch trực, lịch làm việc của cơ quan. Người dân, doanh nghiệp đổ xô đến trụ sở UBND phường, xếp hàng xin xác nhận. Song hơn 24 tiếng sau, thành phố hủy bỏ yêu cầu xin dấu phường kèm lịch trực, lịch làm việc.
Đến 3/9, công an Hà Nội đề xuất chủ trì cấp giấy đi lại có mã QR Code cho những người đủ điều kiện ra đường, thực hiện từ 6/9. Thủ tục khiến người cần cấp giấy bối rối, gặp lỗi khi gửi email hoặc vẫn phải chờ đến khuya để xin giấy. Tối qua, thành phố thông báo tiếp tục dùng mẫu cũ lẫn mới.
Thống kê đến 6/9, chỉ riêng nhóm đi đường do cảnh sát giao thông phụ trách cấp, đã có hơn 80.000 giấy được phát ra liên quan hoạt động công ích và vận chuyển hàng hóa. Công an các xã, phường cũng tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ của nhóm 6. Các địa bàn có đông doanh nghiệp hoạt động như Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), công an phường xét duyệt hơn 600 hồ sơ đã qua sàng lọc cấp giấy cho 7.000 người; phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm) khoảng 400 hồ sơ... Nhiều đơn vị phải bố trí máy tính, cán bộ chia ca trực 24/24; ăn ngủ tại trụ sở phường, kể cả trưởng công an để kịp rà soát hồ sơ cho người dân.
Hồng Chiêu