Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội, cho hay từ 17h chiều 5/9 đến chiều tối nay, Phòng làm việc liên tục để cấp giấy đi đường mẫu mới, có mã QR. Những giấy này chủ yếu nằm trong nhóm ngành Công Thương, Giao thông Vận tải, hoạt động công ích và vận chuyển hàng thiết yếu.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng cho người có nhu cầu", ông Hải nói.
Theo phân công, Phòng Cảnh sát giao thông và công an các xã, phường, thị trấn tiếp nhận, duyệt, cấp giấy đi đường cho các nhóm: Cán bộ, công nhân viên trực tiếp hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu; người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.
Hiện chưa có thống kê số giấy đi đường do công an các xã, phường, thị trấn cấp.
Tại Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, giấy đi đường được cấp ở Đội Quản lý xe trên phố Thái Hà, quận Đống Đa. Các cán bộ chiến sĩ ở đây ăn nghỉ tại chỗ, chia ca làm việc 24/24.
Ghi nhận ở các chốt kiểm soát quanh "vùng đỏ" Hà Nội hôm nay, hầu hết người tham gia giao thông chưa có giấy đi đường theo mẫu mới. Sáng sớm, tại chốt kiểm soát dịch trên cầu Mai Lĩnh, giáp ranh giữa vùng xanh (huyện Chương Mỹ) và vùng đỏ (quận Hà Đông), cảnh sát lập rào chắn dài 30 m với 8 điểm kiểm tra.
Chị Hoàng Thị Nhã, quê xã Ngọc Hoà (Chương Mỹ), nhân viên một công ty trụ sở ở phường Phú La (Hà Đông) xuất trình giấy đi đường theo mẫu cũ. Cảnh sát trực chốt kiểm tra và thông báo chỉ chấp nhận giấy này đến hết ngày mai (7/9), chị cần đề nghị công ty nhanh chóng làm thủ tục cấp giấy theo mẫu mới. Sau hơn một phút, chị Nhã được đi qua chốt.
Trong vòng hai giờ, hàng trăm người có giấy đi đường, giấy hẹn khám sức khỏe đã qua chốt từ huyện Chương Mỹ vào nội thành và chiều ngược lại.
Còn tại chốt kiểm soát trên đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết hai chốt do đội phụ trách trên đường 32 và đại lộ Thăng Long đã sẵn sàng cho việc kiểm tra giấy đi đường mới có mã QR.
Theo thiếu tá Chinh, lực lượng chức năng sẽ sử dụng điện thoại có cài phần mềm được cấp bởi Công an TP để quét mã QR. Khi quét, các thông tin hiện ra gồm: Biển kiểm soát, tuyến đường, tên người điều khiển phương tiện, vùng được phép hoạt động, những ngày được phép hoạt động và số điện thoại liên hệ khi cần.
Khu vực chốt kiểm soát số 11 chân cầu Vĩnh Tuy ở đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) đã dựng rào phân luồng dài 50 m, với 15 thành viên trực chốt.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng chốt, cho hay tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, đường lên cầu dốc, các phương tiện tăng tốc nhanh nên phải phân luồng từ xa. Trong giờ cao điểm sáng nay, chốt kiểm soát hơn 600 phương tiện và chỉ tập trung nhắc người dân làm giấy đi đường theo mẫu mới; không có trường hợp nào bị xử phạt vì ra đường không có lý do thiết yếu.
Đây là lần thứ 4 trong vòng 45 ngày kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thành phố Hà Nội thay đổi phương thức cấp, đổi giấy đi đường.
Hà Nội thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Ba vùng gồm: nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).
"Vùng đỏ" có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc "ai đâu ở đó", dập dịch triệt để. Tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn là "vùng xanh", thành phố điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ "vùng đỏ".
Từ ngày 8/9, Công an Hà Nội sẽ kiểm tra, xử phạt những người tham giao giao thông không có giấy đi đường mẫu mới.
Phạm Dự - Gia Chính - Phạm Chiểu - Tất Định - Võ Hải