(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Mỗi lần về quê chơi, ngoài được cập nhật tình hình quê hương thay đổi ra sao, chẳng hạn như đường mới đổ nhựa chưa lâu đã có ổ gà, chợ mới xây xong không biết có ai vào đó buôn bán gì không...tôi lại được cập nhật thêm thông tin về nhà hàng xóm. Ví dụ như, nhà ông Bình vừa bán đất trả nợ cho thằng con chơi bạc, nhà ông An thì mỗi tháng con gửi tiền về tiêu không hết... Nhưng có một chuyện tôi khá lấn cấn và chuyện bà Cầm vừa đi thêm bước nữa, với người đàn ông cùng xã khi chồng mất đã được 5 năm.
Gọi là bà nhưng thật ra cô Cầm mới 51 tuổi, cô góa chồng năm 46 tuổi, khi đứa con đầu vừa tốt nghiệp đại học và đứa bé út mới học xong lớp 9. Sau Tết vừa rồi cô Cầm đi thêm bước nữa với người đàn ông ly dị vợ trong xã. Nói là đi thêm bước nữa nhưng vấp phải sự phản đối của hai người con nên nhà ai người nhà ai nấy ở. Nhưng ngày nào người ta cũng thấy người đàn ông ấy cũng đi chợ rồi qua nhà cô nấu ăn, rất vui vẻ.
>> 'Người chồng tinh tế sẽ đưa lương cho vợ giữ'
Điều là lạ tôi chẳng thấy ai nói gì về người đàn ông ly dị vợ có thêm tình nhân, trong khi nhiều người hàng xóm phản ứng, tỏ vẻ dè bỉu người đàn bà có tình mới khi chồng đã mất được 5 năm, hai con cũng đã trưởng thành và nên người.
Trước hết, cần đồng ý với nhau rằng, đã là con người thì ở độ tuổi nào cũng có nhu cầu về tình cảm. Tuổi thọ trung bình của người Việt bây giờ độ khoảng 75 tuổi, một người phụ nữ góa chồng tuổi 50, hai con khôn lớn đi thành phố học tập, làm việc, chẳng lẽ phải chấp nhận sống lầm lũi ở quê mấy chục năm trời, trong một ngôi nhà không có đàn ông?
>> 'Thà độc thân sang chảnh hơn nheo nhóc chồng, con'
Nhiều người bảo nên chấp nhận ở vậy, rồi sau này lên thành phố ở với con cháu có phải vừa vui vẻ, vừa tránh mang tiếng không? Tôi thì lại thấy cần phải phân biệt rạch ròi giữa hai thứ tình cảm. Một bên chuyện con chăm sóc mẹ hay mẹ ở với con lúc về già là tình cảm gia đình, nó thuộc về hiếu đạo. Một bên là chuyện người phụ nữ mưu cầu hạnh phúc riêng tư khi đã làm tròn bổn phận người mẹ thì đâu có gì quá đáng?
Ngẫm lại thấy thói đời đôi lúc cũng lạ, người ta có thể dễ dàng chấp nhận chuyện một người đàn ông đi thêm bước nữa với người phụ nữ khác (do vợ cũ chẳng may qua đời chẳng hạn), nhưng luôn dè bỉu, có đôi lúc hơi khắc nghiệt với một người phụ nữ độ tuổi hồi xuân chẳng may đứt gánh giữa đường.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.