"Cảm xúc của tôi lúc này thật lẫn lộn", SCMP dẫn lời Lee, một sinh viên đại lục đang theo học đại học Baptist, nói. "Tôi rất ủng hộ người dân Hong Kong bày tỏ sự lo ngại của họ. Tôi vừa ngưỡng mộ vừa ghen tỵ vì họ có khả năng làm điều đó, nhưng mặt khác, tôi cũng rất bi quan về kết quả của cuộc biểu tình".
Giống như nhiều người đại lục đến Hong Kong sinh sống gần đây, Lee chia sẻ tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi vừa thông cảm cho yêu cầu cải cách chính trị của người biểu tình, vừa lo lắng về những tác động của phong trào này đối với quan điểm của Bắc Kinh và tương lai chính trị của Hong Kong.
Hàng chục nghìn người bắt đầu đổ về trung tâm của đặc khu hành chính cách đây một tuần, chặn các con đường và tổ chức biểu tình với các biểu ngữ đòi Bắc Kinh rút các quy định mới về bầu cử lãnh đạo Hong Kong năm 2017. Họ cũng kêu gọi chính quyền đặc khu từ chức.
Lin, sống ở thành phố Thâm Quyến và đang thăm Hong Kong, chỉ trích rằng việc người biểu tình đưa ra những yêu cầu đó là "thiếu tôn trọng đối với đại lục".
"Chính phủ đã mang đến nhiều sự phát triển cho Hong Kong, nhưng họ không công nhận điều đó", Reuters dẫn lời Lin nói.
Trong khi đó, một du khách tên Yu ở Bắc Kinh lại tỏ ra hào hứng với Occupy Central. "Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy gần gũi với chính trị thế này", Yu nói. "Đây là một thời khắc lịch sử với Hong Kong. Tôi tin một ngày nào đó, điều tương tự thế này cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc".
Sự quan tâm đến chiến dịch ủng hộ dân chủ cho Hong Kong vẫn lan truyền khắp đại lục, bất chấp nỗ lực kiểm soát thông tin của giới chức. Nhiều người chia sẻ về phong trào biểu tình trên mạng, thậm chí còn kêu gọi cải cách chính trị rộng khắp ở Trung Quốc. Ít nhất ba người đã bị bắt vào chiều qua vì đăng tải những thông điệp như trên.
Hong Kong có một lượng lớn người nhập cư từ đại lục và con số này vẫn đang tăng đều. Khoảng 19.000 thị thực du học đã được cấp cho các cư dân đại lục vào 2013, theo số liệu của Sở Di trú Hong Kong, tăng 16,3% so với năm 2012, chiếm hai phần ba số du học sinh ở đây.
Khoảng 8.000 thị thực mới cũng được cấp cho cư dân đại lục theo chương trình "tài năng và chuyên gia đại lục". Ngày càng có nhiều người đến Hong Kong làm việc bằng visa làm việc thông thường.
Năm ngoái, có hơn 40 triệu người đại lục đến thăm Hong Kong, góp phần đẩy mạnh ngành du lịch và bán lẻ của đặc khu. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều người cảm thấy khó xử khi quan điểm của họ khác với người Hong Kong.
Alexis Huang, người cũng tham gia cuộc biểu tình đường phố, cho rằng dù có nhiều người chia sẻ thông tin về phong trào này, người đại lục cũng sẽ không tham gia tích cực.
"Việc chính quyền trung ương thay đổi suy nghĩ của họ là không thể. Nhưng mọi người nên nói ra và chiến đấu cho quyền cơ bản của họ", cô nói.
Sinh viên Lee thì phản đối cuộc biểu tình dù cô đồng cảm với mục tiêu của nó, bởi theo cô, phong trào chắc chắn sẽ thất bại. "Nó có thể khiến Bắc Kinh giận dữ, đó là điều chúng tôi lo lắng nhất".
Anh Ngọc