Mô tả việc hàng chục nghìn người tập trung ở trung tâm Hong Kong là "bất hợp pháp" và "trái phép", một bài viết trên bản tiếng Anh của tờ China Daily đề cập đến hành động cảnh sát xịt hơi cay vào đám đông.
Tờ này cho rằng cuộc biểu tình là một "sự liều lĩnh mang tính cơ hội" và cáo buộc phong trào Occupy Central lợi dụng sinh viên để đe dọa sự ổn định xã hội và kinh tế của Hong Kong.
"Nhận ra sự thất bại trong việc thu hút sự ủng hộ của người dân cho mục đích của mình, các nhà tổ chức Occupy đang cố gắng lợi dụng lòng nhiệt tình và lý tưởng của sinh viên", tờ báo viết.
Nhật báo còn thêm rằng các nhà biểu tình ở Hong Kong có mục đích chính trị. "Những nhà tổ chức Occupy cho thấy một nỗ lực tuyệt vọng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của họ, thậm chí đánh đổi sự an toàn của những người vô tội. Những kẻ cực đoan chính trị đã hoàn toàn phơi bày bản chất cơ hội trong những nỗ lực của họ", tờ báo viết.
Global Times cập nhật thông tin rằng cảnh sát đã bắn 87 lượt hơi cay để giải tán các đám đông vào đêm 28/9, nhưng nhấn mạnh họ đã cho thấy "sự kiềm chế trong việc đối phó với người biểu tình". Tờ phụ trương của báo đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích phong trào đường phố là phá hoại hình ảnh của Hong Kong.
"Là những người dân của Trung Hoa đại lục, chúng tôi thấy buồn cho sự hỗn loạn ở Hong Kong hôm chủ nhật. Các lực lượng đối lập cực đoan ở Hong Kong phải nhận trách nhiệm", tờ báo viết. "Trung Quốc không còn là quốc gia cách đây 25 năm nữa. Chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm và rút ra được bài học từ những nước khác, giúp chúng ta nâng cao sự đánh giá khi đối mặt với bất ổn xã hội". Báo nhắc đến thời điểm cách đây 25 năm khi sự kiện Thiên An Môn xảy ra.
Tờ báo cũng yêu cầu chính quyền Hong Kong "hành động để lập lại trật tự" ở đặc khu hành chính, trong đó có việc "vạch ra giới hạn đỏ của quy tắc luật pháp Hong Kong".
Trong một bài viết trên trang tin Sohu, Wang Qiang, giáo sư Đại học Cảnh sát, còn gợi ý rằng "cảnh sát có vũ trang" có thể được huy động để xử lý tình hình nếu giới chức ở Hong Kong "không có khả năng làm điều đó".
'Đóng băng tạm thời'
Trái với những tin tức hạn chế trên báo chí Bắc Kinh, truyền thông ở Hong Kong lại cập nhật rất chi tiết và toàn diện về phong trào biểu tình.
Các tờ báo ủng hộ Bắc Kinh kêu gọi sinh viên chấm dứt hoạt động này, trong khi các tờ độc lập chỉ trích chính quyền gay gắt.
Sing Tao Daily, nhật báo ủng hộ Bắc Kinh, lên án các nhà hoạt động của Occupy Central vì đẩy Hong Kong đến nguy hiểm. "Cuộc xung đột này không chỉ gây ảnh hưởng đến khu vực quận tài chính mà tất cả các vùng và các ngành đều bị ảnh hưởng. Các nhà hoạt động này cần phải chịu trách nhiệm", tờ báo cảnh cáo.
Trái lại, xã luận của Apple Daily đứng về phe dân chủ lại mô tả chính quyền Hong Kong là "nhẫn tâm" và "vô lý" đến "lệch lạc" sau khi cảnh sát dùng hơi cay với người biểu tình.
"Những con người này đã phạm phải lỗi gì? Họ chỉ lên tiếng cho sinh viên và bảo vệ mình khi không thể đứng nhìn chính quyền bắt nạt họ", nhật báo viết. "Mọi người đã mất hy vọng vào chính quyền này, vốn chỉ do một nhóm người nhỏ bầu ra. Chúng tôi biết, quyết tâm của người dân và sinh viên đấu tranh cho dân chủ sẽ không bao giờ suy giảm".
Ming Pao Daily, nổi tiếng là tờ báo trí tuệ ở Hong Kong, đưa ra quan điểm đa chiều. Tờ này nhẹ nhàng phê bình người biểu tình là "thất hứa" về "một cuộc biểu tình không bạo lực" dựa trên "lý tưởng của tình yêu và hòa bình", đồng thời kêu gọi cảnh sát kiềm chế dùng hơi cay với đám đông.
"Đến thời điểm này, có lẽ chính quyền nên cân nhắc điều gì là tốt nhất cho Hong Kong. Ví dụ, đóng băng tạm thời các cuộc thảo luận cải cách chính trị và chờ đến vòng tham vấn thứ hai", báo này đề xuất.
South China Morning Post thậm chí vẫn bày tỏ sự lạc quan giữa tình hình rối ren. "Có lẽ vẫn có một lý do đơn giản hơn để lạc quan đó là thế hệ sinh viên này, những người đã một lần nữa sẵn sàng đứng lên và nói ra sự thật với chính quyền. Nếu họ là những lãnh đạo của Hong Kong tương lai, chúng ta có thể hy vọng sự thay đổi".
Anh Ngọc