Có một thân hình nam tính, gân guốc nhưng Nguyễn Huỳnh Tố An, tên khai sinh Nguyễn Hữu Toàn, nhận thức bản thân là con gái. Sự bức bối và chán ghét cơ thể khiến Tố An khao khát có được hình dáng phụ nữ.
"Tôi đến vài bệnh viện ở Sài Gòn để khám và xin tư vấn thay đổi vóc dáng, nhưng tới đâu người ta cũng từ chối vì không có chuyên môn. Quá bế tắc, tôi chỉ muốn tự tử", Tố An chia sẻ.
Năm 2009, được một người đồng giới rỉ tai ở Thái Lan có loại thuốc khiến da dẻ mịn màng, tay chân mềm mại, rụng hết râu ria, đặc biệt "mọc vú", Tố An liền đặt mua. Nhận thuốc, Tố An nhờ bạn tiêm luôn một mũi mà không cần tìm hiểu tác dụng phụ.
Theo ước tính của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), hiện nay tại Việt Nam có khoảng 300.000-500.000 người chuyển giới. Hơn 70% những người này dùng nội tiết tố mua từ người quen, hàng nhập xách tay hoặc các mối trên mạng. Tố An là một trong số đó.
Hiện không có nhà thuốc nào bán, không có cơ sở y tế nào có dịch vụ công khai tiêm hormone cho người muốn chuyển giới. Những người muốn thay hình đổi dạng nam/nữ phải mua hormone từ các nguồn không rõ ràng, dùng không có kiểm soát y tế, dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe.
Hiện không có hiệu thuốc nào bán, các loại testosterone hay estrogen đều được nhập không chính thức từ nước ngoài, chủ yếu là Thái Lan, Đức, Ấn Độ. Người bán thường quảng cáo hàng chục loại thuốc với các "tác dụng thần kỳ", tuy nhiên không có giấy tờ về nguồn gốc.
Vì mua bán bất hợp pháp, nguồn cung hormone cho người chuyển giới cũng rất bấp bênh. Ba tháng qua, các chặng bay quốc tế đều bị hạn chế tối đa bởi dịch Covid-19. Người chuyển giới ở Việt Nam cần hormone nhưng không có cách nào khác ngoài chờ đợi.
Tố An cho biết An và nhiều bạn chuyển không tích trữ hormone, nên hiện tại phải dùng tạm thuốc tránh thai.
Thiếu thuốc chỉ là một khó khăn cộng thêm cho cuộc sống chật vật của An. Nhiều năm nay, Tố An đã phó mặc tính mạng cho "bạn tiêm" và may rủi. Tiêm bao nhiêu, tiêm vào chỗ nào, tốc độ vào thuốc như thế nào... đều nhờ trải nghiệm.
Có lần Tố An nhờ bạn tiêm vào mông, chưa rút kim, cơn ê buốt đã xộc lên dữ dội. Một bên mông sưng to, nhiễm trùng nặng, có ổ áp xe. An phải mổ, để lại vết sẹo lồi lớn song chẳng dám trách bạn nửa lời.
Trúc Quân, một người chuyển giới nam sang nữ, 21 tuổi, TP HCM, đã điều trị estrogen được 8 tháng. Cũng chỉ nghe truyền miệng về "thần dược", Quân tìm và mua thuốc qua đầu mối trên mạng xã hội. Sau lần tự tiêm trúng mạch máu, máu chảy thành dòng không ngừng, Trúc Quân sợ hãi nhận ra rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào nếu liều lĩnh như thế.
Nhiều người chuyển giới đã mất mạng vì chủ quan và thiếu kiến thức. Tố An kể, bạn thân chị đang ốm nhưng vẫn tiêm thuốc vì đến kỳ. Cơ thể yếu, sốc thuốc dẫn đến tử vong. Có người tiêm nhầm hormone vào tĩnh mạch gây nghẽn mạch máu, tai biến, qua đời khi chưa tròn 18 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, giảng viên bộ môn Phẫu thuật thẩm mỹ Đại học Y Dược TP HCM, cho biết hiện tại Luật chuyển giới chưa được ban hành. Các cơ sở y tế đủ khả năng nhưng chưa được thực hiện việc tư vấn, can thiệp hay phẫu thuật. Hormone mà người chuyển giới sử dụng có từ nguồn phi chính thức.
Tiêm hormone cho mục đích chuyển giới có thể đối mặt nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ như tắc mạch, loãng xương, tăng huyết áp, phản ứng dị ứng thuốc... Sử dụng hormone chuyển giới không theo chỉ định của bác sĩ và không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế thì nguy cơ càng gia tăng.
"Luật Dân sự đã công nhận quyền chuyển đổi giới tính, một vài bệnh viện cũng đã có phòng khám riêng phục vụ cộng đồng LGBT, sự kỳ thị cũng đã giảm đi rất nhiều", bác sĩ Phùng nói. "Nếu có biến chứng, tai biến sau khi dùng thuốc nội tiết tố hay phẫu thuật, người chuyển giới nên mạnh dạn tới bệnh viện để điều trị".
Tỉnh ngộ sau tai nạn, Trúc Quân giờ đã tìm được một phòng khám tư chuyên nam khoa để tiêm thuốc định kỳ. "Mong các bạn của tôi tìm hiểu kỹ tác dụng phụ của thuốc, tìm được người khám và tiêm có chuyên môn. Có khỏe mạnh chúng ta mới hạnh phúc khi được là chính mình", Quân nói.
Thư Anh