Anh Thiên 47 tuổi ở TP HCM bị tiểu đường đã 2 năm nay. Nghe nhiều người khuyên trong chế độ ăn nên giảm bột, béo, đường, nên anh thường xuyên nhịn ăn hoặc ăn rất ít. "Lúc trước ăn ba bát cơm thì giờ chỉ ăn hơn một bát. Trong suốt thời gian bệnh tôi bị sụt cân nhanh, tay chân lúc nào cũng bủn rủn. Nhưng ăn nhiều lại sợ đường huyết tăng, bệnh tiến triển nặng thêm", anh tâm sự.
Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Đại học Y dược TP HCM, những lầm tưởng về bệnh tiểu đường như không được ăn đường hay các loại thực phẩm ngọt ví dụ bánh kẹo, trái cây, đều sai lầm. Hầu như không có loại thực phẩm nào mà người bệnh không ăn được và cũng không loại thực phẩm nào là hoàn toàn tốt.
"Không chỉ có anh Thiên mà nhiều người mắc tiểu đường nghe truyền miệng là ăn cái này, uống cái kia sẽ giảm được đường huyết nên làm theo. Vì thế, nhiều người suốt một thời gian dài chỉ dùng một loại thực phẩm", bà Phụng nói.
Người tiểu đường nên chia nhỏ các bữa ăn hằng ngày, lựa chọn những thức ăn có chỉ số đường huyết thấp nhưng vẫn cân bằng các nhóm thực phẩm bột đường, nhóm cung cấp đạm, cung cấp chất béo, vitamin khoáng vi lượng.
Tổng năng lượng trung bình cho người mắc bệnh tiểu đường là 1.500 kcal mỗi ngày và nên chia làm 600 kcal vào buổi sáng, 500 kcal cho buổi trưa và 400 kcal vào buổi chiều. Người bệnh nên ăn rau, canh trước khi ăn cơm và các thức ăn khác. Ở các bữa ăn phụ, nên lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn có sử dụng đường isomalt - một loại đường chức năng có nguồn gốc tự nhiên, năng lượng thấp.
Dược sĩ Phụng khuyên người mắc tiểu đường nên dùng cải xoong, đậu hà lan, hành tây, mướp đắng, khoai lang, tỏi, lá dứa, quế. Đây là những loại thực phẩm có tác dụng phòng bệnh tiểu đường và giúp người bệnh có thêm lựa chọn trong thực đơn. Tuy nhiên khi sử dụng, nên chú ý đến cách chế biến, liều lượng cho phù hợp và không quên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.