Bệnh nhân ung thư thường xuyên phải đối mặt với khó khăn trong việc bổ sung dinh dưỡng. Nguyên nhân một phần do thay đổi vị giác cùng tác dụng phụ của quá trình điều trị như nôn hay tiêu chảy. Thiếu dinh dưỡng có thể gây mệt mỏi, dễ nhiễm trùng, thậm chí khiến bệnh nhân không đủ điều kiện điều trị hoặc làm gián đoạn quá trình này.
Hiểu biết về các loại thực phẩm nên, không nên ăn giúp người bệnh đối phó bệnh tật và giảm các tác dụng phụ. Chế độ ăn cần thay đổi linh hoạt dựa trên loại ung thư và tình trạng sức khỏe, mục đích chính là cung cấp đủ lượng calo và đạm (protein) cần thiết.
Dưới đây là những thực phẩm bệnh nhân ung thư nên ăn:
Rau họ cải
Các loại rau họ cải gồm: bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, cải xoăn, cải thìa, rau cải lông, có thể chống ung thư và giảm nguy cơ tái phát. Một nghiên cứu cho thấy những hợp chất trong các loại rau họ cải có đặc tính chống tăng sinh và tiêu u, giảm sự phát triển mất kiểm soát các tế bào ung thư. Các hợp chất hoạt tính sinh học trong các rau họ cải cũng thúc đẩy quá trình loại bỏ một số chất gây ung thư trong cơ thể.
Thức ăn giàu protein
Protein (đạm) giúp phục hồi sức khỏe, sửa chữa tổn thương trong tế bào và cung cấp năng lượng sau điều trị hóa chất. Trước khi bắt đầu điều trị, bạn nên tăng lượng đạm ăn vào để ngăn quá trình giảm khối lượng cơ.
Những thực phẩm giàu đạm mà bệnh nhân ung thư nên ăn gồm: các loại đậu, thịt trắng, trứng, lúa mạch, phô mai tươi, đậu lăng, các loại cá, sữa chua, đậu nành, yến mạch.
Về đậu nành, nhiều người cho rằng thực phẩm này chứa isoflavone - được xem là estrogen thực vật, có liên quan tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, cơ chế tiêu thụ isoflavone ở động vật và người rất khác nhau. Hiện chưa có nghiên cứu khẳng định đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Trên thực tế, có nhiều bằng chứng cho thấy ăn sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành, miso... có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, nhất là ở phụ nữ châu Á.
Ngoài ra, trong đậu nành có chứa nhiều protein và chất xơ đều có lợi cho sức khỏe.
Quả mọng
Các loại quả mọng như mâm xôi đen, việt quất xanh, nam việt quất... đặc tính chống oxy hóa, có lợi cho việc kiểm soát các triệu chứng ung thư. Một nghiên cứu cho thấy quả mọng có khả năng ngăn ngừa ung thư, chủ yếu là ung thư đường tiêu hóa và vú. Ngoài ra, chúng có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, gan, tuyến tụy và phổi.
Vitamin C
Vitamin C được biết đến có khả năng tăng sức đề kháng tự nhiên. Bệnh ung thư thường giảm sức đề kháng, do đó thức ăn giàu vitamin C là một cách tốt để giảm các tác động tiêu cực đến sức khỏe về lâu dài.
Những thực phẩm giàu vitamin C gồm: ớt đỏ, ớt xanh, cam, cải xanh, đu đủ.
Tỏi
Nghiên cứu cho thấy ăn tỏi có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Bệnh nhân nên ăn 2-5 gram tỏi mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Một số loại khác như hành tây, hành tím, tỏi tây cũng có tác dụng tương tự.
Thực phẩm giàu acid béo omega-3
Axit béo omega-3 có thể làm chậm sự phát triển của ung thư vú và tuyến tiền liệt. Vì cơ thể không thể tự tạo ra axit béo omega-3 nên phải được cung cấp từ thức ăn hoặc chất bổ sung. Tuy nhiên, với bệnh nhân ung thư, việc bổ sung omega-3 thông qua thức ăn thay vì uống thực phẩm chức năng sẽ tốt hơn.
Những thực phẩm giàu omega-3 là dầu hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, đậu nành. Các loại cá như cá thu, hồi, trích, hàu, mòi, cơm, ngừ.
Sau điều trị ung thư, nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng của cơ thể rất cao. Do đó, bạn nên ăn những thức ăn giàu năng lượng, hàm lượng protein cao, lượng chất béo ít và dễ tiêu hóa. Ngoài ra, chế độ ăn nên bổ sung thêm các loại rau và trái cây giàu chất chống oxy hóa, vitamin C và đạm thực vật.
Lưu ý chế độ ăn thực dưỡng không phù hợp với bệnh nhân ung thư. Hiện không có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh kiểu ăn này có thể điều trị hoặc chữa khỏi ung thư. Không những vậy, ăn thực dưỡng còn khiến cho cơ thể bệnh nhân héo mòn và suy kiệt, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Lê Văn Thành
Bệnh viện K, hiện công tác tại Bệnh viện Đại học Showa, Nhật Bản