Nghiên cứu được tài trợ bởi Công ty Kiểm soát Công nghệ insulin Glytec, xuất bản trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Tiểu đường vào tháng 4. Các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu sức khỏe của hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ từ ngày 1/3 đến ngày 6/4. Trong số đó, 40% bị tiểu đường hoặc cao huyết áp.
Kết quả cho thấy các bệnh nhân tiểu đường có tỷ lệ tử vong tại bệnh viện là 29%, cao hơn nhiều so với mức 6% ở người không có bệnh nền. Bên cạnh đó, 42% bệnh nhân bị tiểu đường nhưng không được chẩn đoán trước đó cũng đã chết.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Bruce Bode, chuyên gia tại Hiệp hội Tiểu đường Atlanta, cho biết dù tiểu đường và cao huyết áp là yếu tố gây tử vong ở những người mắc Covid-19, tỷ lệ 42% thật đáng báo động.
Utpal Pajvani, giáo sư trợ lý khoa nội tiết tại Đại học Columbia, cho biết nghiên cứu chỉ ra những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ biến chứng sức khỏe sau khi nhiễm nCoV. Điều này tương đồng với những phát hiện trong dữ liệu nhập viện gần đây tại Trung Quốc.
Ông cho rằng nghiên cứu mới vô cùng kịp thời, nhưng cũng có những hạn chế đáng kể. Ví dụ, dữ liệu không phân biệt bệnh tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2 ảnh hưởng thế nào đến người nhiễm nCoV. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng không chỉ ra điểm khác biệt của các biến chứng Covid-19 ở người tiểu đường có điều trị và không.
Để ngăn ngừa rủi ro nếu nhiễm nCoV, giáo sư Pajvani cho rằng bệnh nhân tiểu đường cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa hợp lý, làm việc tại nhà nếu có thể, duy trì giãn cách xã hội, rửa tay đúng cách và cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu.
Ông cũng nhấn mạnh bản thân bệnh tiểu đường không phải nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở người mắc Covid-19. Việc không điều trị và kiểm soát căn bệnh mới là rủi ro tiềm ẩn, nguy hiểm hơn cả.
Nguyễn Phương (Theo Healthline)