Nghiên cứu được công bố tại cuộc họp thường niên Hiệp hội Ung thư Mỹ và xuất bản trên tạp chí y khoa Cancer Discovery hôm 28/4.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu y tế của 641 bệnh nhân Covid-19 từ 14 bệnh viện tại tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch đầu tiên ở Trung Quốc. Trong số này, 105 người bệnh lý nền ung thư, số còn lại sức khỏe bình thường. Tất cả đều cùng độ tuổi.
Các chuyên gia từ Trung Quốc, Singapore và Mỹ phát hiện bệnh nhân ung thư nhiễm nCoV có nguy cơ tử vong cao gấp ba lần so với tỷ lệ trung bình. Yếu tố rủi ro phụ thuộc vào độ tuổi, loại khối u, phương pháp điều trị và giai đoạn phát triển của bệnh. Các bệnh nhân này cũng phát triển triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng hơn, thường được điều trị trong khu hồi sức tích cực và phải sử dụng máy thở.
Trên thực tế, ung thư cũng làm suy yếu nghiêm trọng hệ miễn dịch của cơ thể. Bệnh nhân ung thư thường là người lớn tuổi - những người dễ chuyển nặng khi nhiễm nCoV.
Các loại ung thư máu như bạch cầu leukemia, ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) và khối u tủy xương tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch, làm giảm khả năng phòng vệ tự nhiên của con người, đẩy người bệnh vào tình trạng nguy kịch.
Nhóm thứ hai nguy cơ tử vong cao khi mắc Covid-19 là người bị ung thư phổi. Do chức năng phổi vốn suy giảm, cơ thể của họ dễ bị tổn hại khi virus tấn công. Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị, như hóa trị và phẫu thuật, cũng gây ức chế hệ thống miễn dịch. Báo cáo cho thấy những người đã hoàn thành liệu trình điều trị ung thư, nếu nhiễm nCoV, cũng dễ xảy ra biến chứng hơn. Song bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu, rủi ro khá thấp, tương đương với người không mắc bệnh.
J. Leonard Lichtenfeld, phó giám đốc y tế của Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho rằng kết quả của nghiên cứu này rất quan trọng.
"Nó giúp củng cố những nhận định trước đó, rằng người bị ung thư dễ nhiễm virus, bệnh có xu hướng chuyển nặng và để lại hệ quả tồi tệ hơn", ông nói.
Tỷ lệ tử vong cao và các biến chứng nghiêm trọng sau khi mắc Covid-19 chỉ là một trong nhiều rủi ro mà người bệnh ung thư đối mặt giữa đại dịch. Họ chịu tình trạng thiếu thuốc hoặc phải trì hoãn quá trình điều trị bởi bệnh viện đóng cửa.
"Chúng tôi gặp nhiều thách thức khi cố gắng chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân", Howard Burris, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Sarah Cannon, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ, cho biết. Ông cũng lưu ý nhiều bệnh viện buộc phải hoãn phẫu thuật, nhấn mạnh điều này có thể không ảnh hưởng đối với bệnh nhân giai đoạn đầu, song sẽ cực kỳ nguy hiểm cho "những ai có khối u lan nhanh hoặc khó điều trị".
Các y bác sĩ cũng lo ngại về sự chậm trễ trong công tác xét nghiệm và tầm soát ung thư, bao gồm nội soi và chụp quang tuyến vú, vốn đặc biệt quan trọng để theo dõi sức khỏe của bệnh nhân.
Ước tính của Hiệp hội Ung thư Mỹ, năm 2020, nước này có thể ghi nhận tới 1,8 triệu người mắc ung thư và hơn 60.000 ca tử vong.
Thục Linh (Theo Washington Post)