Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM chia sẻ: Bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ mắc Covid-19 nếu không tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch. Tuy nhiên bệnh có xu hướng diễn tiến nặng hơn ở những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền mạn tính như gan mạn tính, thận, tim và phổi...
"nCoV gắn kết và xâm nhập vào tế bào đích thông qua loại men có tên ACE2 và men này hiện diện ở các tế bào biểu mô gan, tế bào ống mật. Do vậy, virus có thể xâm nhập vào các tế bào gan và ống mật", bác sĩ Hoàng lý giải.
Người bệnh Covid có tình trạng tăng men gan. Tăng men gan phản ánh tổn thương tế bào gan, có thể do virus trực tiếp gây ra hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, các thuốc được dùng để kiểm soát triệu chứng Covid-19 cũng có thể gây độc cho gan nhưng hiếm khi dẫn đến phải ngừng điều trị. Tỷ lệ của tổn thương gan do thuốc như thuốc remdesivir và tocilizumab ở người bệnh Covid-19 là 25,4%.
Người bệnh Covid-19 có tăng men gan thường nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn so với người bệnh không tăng men gan. Tuy nhiên, tổn thương gan trong các trường hợp Covid-19 nhẹ thường không cần điều trị đặc hiệu ngoài việc chăm sóc hỗ trợ, nâng đỡ.
Những người bị xơ gan, nhất là xơ gan mất bù, nếu mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong tăng cao hơn so với người bệnh không xơ gan. Do vậy, người bệnh xơ gan cần lưu ý, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng tránh nhiễm nCoV. Ngoài ra, nếu không có sự điều chỉnh của bác sĩ điều trị, người bệnh xơ gan vẫn phải tiếp tục uống thuốc theo toa, không nên ngừng hoặc tự ý thay đổi thuốc, tiếp tục theo dõi và tầm soát ung thư gan theo đúng lịch trình nếu hoàn cảnh cho phép.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Thế Sang, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đối với bệnh nhân viêm gan B, C ảnh hưởng của nCoV đến nhóm này hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên những người bị viêm gan trên 65 tuổi hoặc mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh phổi mạn tính, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim và bệnh thận có nguy cơ cao bị bệnh Covid-19 nặng hơn.
"Ngoài ra, đối với bệnh nhiễm mỡ sẽ có liên quan chặt chẽ đến hội chứng chuyển hóa gồm béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp. Các đặc điểm của hội chứng chuyển hóa chính là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh nặng khi mắc Covid-19", bác sĩ Sang giải thích.
Hầu hết người bệnh ung thư gan đều có xơ gan. Tương tự như người bệnh xơ gan, người ung thư gan mắc Covid-19 cũng có nguy cơ diễn tiến nặng, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong cao.
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Những người bệnh này cần được đánh giá đa chuyên khoa nhằm đảm bảo chăm sóc và điều trị tối ưu. Do vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, người bệnh không nên trì hoãn hoặc ngưng điều trị do Covid-19.
Bác sĩ Sang khuyến cáo người đang điều trị viêm gan virus B hoặc C, xơ gan hoặc các bệnh gan mạn tính khác, phải tiếp tục uống thuốc như đã được kê toa. Trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi dừng bất kỳ loại thuốc nào. Nên chuẩn bị đủ thuốc tại nhà để hạn chế các chuyến đi không cần thiết đến dịch vụ y tế hoặc nhà thuốc.
Cách tốt nhất để tránh Covid-19 là tránh phơi nhiễm với virus gây bệnh. Ngay cả sau khi đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, vẫn nên tiếp tục thực hiện các bước để bảo vệ bản thân bao gồm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, tránh đám đông và những nơi thông gió kém. Ngoài ra, cố gắng duy trì các thói quen lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, hít thở không khí trong lành, ăn thực phẩm lành mạnh, ngủ đều đặn, tránh uống rượu bia... Đây vẫn là các biện pháp phòng bệnh rất quan trọng trong đại dịch.
Tiêm ngừa vaccine Covid-19 sẽ giúp bảo vệ người bệnh gan mạn tính không mắc bệnh Covid-19 nặng. "Những người mắc bệnh gan mạn tính cũng cần chủng ngừa bệnh viêm gan virus A, viêm gan virus B, cúm và bệnh nhiễm phế cầu khuẩn. Các hướng dẫn hiện nay khuyên người bệnh nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cách các loại vaccine khác ít nhất hai tuần", bác sĩ khuyên.
Lê Cầm