Trả lời:
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đến mức độ và triệu chứng của bệnh đau dạ dày. Khi bị bệnh, bạn nên tránh cà phê, các loại đồ uống có cồn và ga vì chúng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày hoặc tăng sản xuất acid, làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Thay vào đó, nên chọn các loại trà thảo dược, nước lọc.
Tránh sử dụng thức ăn có tính acid như các loại trái cây có vị chua, đồ muối chua hay các gia vị như hành, tỏi, ớt, bởi chúng làm dạ dày tăng tiết acid. Tránh các loại thức ăn khó tiêu như thức ăn cứng, trái cây còn xanh, cứng (cóc, ổi, xoài), thịt nhiều gân sụn, khiến dạ dày phải co bóp và nghiền nát nhiều, tăng nguy cơ làm tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ.
Các loại gia vị cay sẽ làm tăng lượng acid có trong dạ dày, làm chứng viêm trở nên nặng. Hơn nữa, các loại thực phẩm cay sẽ còn gây kích ứng, khiến các vết viêm đang tồn tại trở nên nghiêm trọng. Do đó, người bị viêm dạ dày nên tránh ăn các loại thức ăn quá cay.
Bên cạnh đó, hạn chế những loại thức ăn chế biến sẵn, chiên xào hay nhiều dầu mỡ. Hạn chế các sản phẩm từ sữa. Uống sữa làm tăng sản xuất acid dạ dày, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm dạ dày.
Các loại thịt đỏ có hàm lượng acid cao nên sẽ khó tiêu hơn, cơ thể phải tăng sản xuất các loại acid trong dạ dày nên sẽ không tốt với người đang có bệnh. Các loại hạt và bơ hạt nhiều protein nhưng cũng có nhiều chất béo, có thể gây khó chịu. Các loại đậu tuy tốt nhưng người viêm dạ dày chỉ nên ăn với khẩu phần nhỏ vì có thể gây đầy hơi, chướng bụng.
Bác sĩ Trần Đức Cảnh
Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng - Bệnh viện K Trung uơng